Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Giới thiệu
- Thủ tục hành chính
- Văn bản
- Báo cáo tài chính
- Chiến lược, QH, KH
- Chuyển đổi số
Đang truy cập: 11
Hôm nay: 154
Tổng lượt truy cập: 812.581
Một số kết quả công tác trợ giúp người khuyết tật năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
- Ngày đăng: 28-03-2022
- 400 lượt xem
Tỉnh Quảng Trị có 28.853 người khuyết tật (NKT), trong đó có 8.375 nạn nhân chất độc da cam, 5.100 nạn nhân bom mìn sau chiến tranh. Năm 2020, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các sở, ban ngành chức năng liên quan với các tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức Quốc tế và sự nhận thức đúng đắn của cộng đồng đối với người khuyết tật, nên các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã thu được một số kết quả quan trọng như:
Công tác xác định mức độ khuyết tật và bảo trợ xã hội: Tính đến ngày 30/12/2020, toàn tỉnh đã xác định mức độ khuyết tật và giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho 17.458 người khuyết tật (3.983 người khuyết tật đặc biệt nặng; 13.475 người khuyết tật nặng). Chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng.
Chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật: 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định và được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Năm 2020, có 98% người khuyết tật được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú; 698 người khuyết tật được hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Hỗ trợ người khuyết tật trong giáo dục và đào tạo: Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các trường học quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khuyết tật được hòa nhập cộng đồng. Việc tổ chức giảng dạy, giáo dục trên cơ sở xác định khả năng, nhu cầu của từng học sinh, tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật được tham gia các hoạt động của lớp. Toàn tỉnh có 190 trẻ em khuyết tật đi nhà trẻ em, mẫu giáo; 515 trẻ khuyết tật học tiểu học; 217 trẻ khuyết tật học trung học cơ sở; 69 học sinh khuyết tật học trung học phổ thông; 120 trẻ khuyết tật học trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Hỗ trợ người khuyết tật trong văn hóa, văn nghệ, thể thao: Các địa phương đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người khuyết tật, tạo được không khí thi đua sôi nổi, tinh thần giao lưu học hỏi, hiểu biết lẫn nhau, giúp người khuyết tật nâng cao sức khỏe, hòa nhập cộng đồng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật: Năm 2020, có 650 lượt người khuyết tật được trợ giúp pháp lý. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thực hiện thông qua các hình thức như: tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tại trụ sở và ngoài trụ sở, tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật, đại diện ngoài tố tụng cho người khuyết tật. Việc tăng cường các hình thức trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đã tạo điều kiện cho người khuyết tật nắm bắt được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hỗ trợ người khuyết tật về sinh kế và tạo việc làm: Toàn tỉnh có 1.635 người khuyết tật được hỗ trợ sinh kế và tạo việc làm với các nghề như: chăn nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, chổi đót, tăm tre, trồng cây ăn quả, xoa bóp, bấm huyệt; có 672 hộ gia đình có người khuyết tật được vay vốn ưu đãi để làm ăn, sản xuất kinh doanh và cải tạo điều kiện sinh hoạt; 502 hộ gia đình có người khuyết tật được hỗ trợ con giống như: bò, dê, lợn, gà...để phát triển kinh tế gia đình.
Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các công trình xây dựng: Sở Xây dựng đã chỉ đạo công tác thẩm định các dự án, báo cáo kinh tế- kỹ thuật khi đầu tư xây dựng công trình đều áp dụng nghiêm theo quy định Thông tư số 21/2014/TT-BXD ngày 29/12/2014 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Trên địa bàn, trụ sở các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 70%; cấp huyện là 80%; tỷ lệ công trình văn hóa cấp tỉnh đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 100%; tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 50%; Tỷ lệ cơ sở đào tạo nghề đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 50%. Trong thời gian gần đây, khi triển khai xây dựng hoặc cải tạo các công trình công cộng, các chủ đầu tư đều lưu ý việc đảm bảo tiếp cận của người khuyết tật.
Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giao thông công cộng: Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo Trung tâm quản lý bến xe khách tỉnh tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục phục vụ cho người khuyết tật tại các bến xe khách Đông Hà như: Bố trí lối đi dành cho người khuyết tật, gắn tay vịn tại khu vực phòng đợi và khu vực vệ sinh cho người khuyết tật. Chỉ đạo các đơn vị vận tải, các bến xe, bến thuyền, nhà ga áp dụng chính sách ưu tiên cho người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng...
Hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, điển hình như: Năm 2020, Hội người khuyết tật, nạn nhận da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã huy động quỹ được 16.990 triệu đồng để thực hiện giúp đỡ người khuyết tật, tổ chức thăm hỏi và tặng quà vào các dịp lễ, tết cho những người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn một số hoạt động hỗ trợ khác như: Tổ chức khám sức khỏe sinh sản cho 100 phụ nữ khuyết tật với kinh phí là 300 triệu đồng; cấp 90 chiếc xe lăn với kinh phí 171 triệu đồng; cấp 41 chiếc xe lắc với kinh phí là 225 triệu đồng; hỗ trợ 128 dụng cụ chỉnh hình cho 83 ngời khuyết tật với kinh phí là 350 triệu đồng; xây dựng 4 nhà tình thương cho người khuyết tật, với kinh phí là 270 triệu đồng; hỗ trợ cho 122 hộ gia đình có NKT vay vốn ưu đãi làm kinh tế gia đình, với tổng số tiền là 620 triệu đồng; hỗ trợ giống bò sinh sản cho 11 gia đình có NKT với kinh phí là 110 triệu đồng; trao tặng quà cho 5.791 suất với tổng số tiền là 5.023 triệu đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Hội đã vận động được 1.939 triệu đồng, trao 1.261 suất quà, mỗi suất trị giá 800.000đ.
Công tác vận động các nguồn lực để trợ giúp người khuyết tật: Các Sở, ngành và địa phương liên quan đã tích cực vận động nguồn lực từ các nhà tài trợ để trợ giúp cho người khuyết tật, tính đến ngày 30/12/2020 có các dự án, chương trình như: Dự án “Giảm thiểu số trẻ khuyết tật không được tiếp cận PHCN cải thiện chất lượng cuộc sống” giai đoạn 2018 - 2020 do Tổ chức Y tế vì Hòa bình (Medipeace - Hàn Quốc) tài trợ. Dự án “Hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin tại huyện Gio Linh thông qua chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2021” do Tổ chức GCS (Hàn Quốc) tài trợ, kinh phí 29.950 USD. Dự án “Phục hồi chức năng lưu động, hỗ trợ nạn nhân và giáo dục nguy cơ bom mìn” giai đoạn 2019-2021 do Tổ chức Renew thực hiện, kinh phí 91.964 USD. Dự án “Tăng cường chăm sóc y tế và đào tạo phục hồi chức năng giai đoạn 2018-2023” do cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức HI hợp tác với Sở Y tế, kinh phí 01 triệu USD. Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật giai đoạn 2018-2021” do USAID tài trợ thông qua Tổ chức ACDC hợp tác với Sở Y tế và Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, với kinh phí 324.526 USD. Dự án “Cải thiện tình trạng sống độc lập của NKT” do HI tài trợ thông qua ACDC thực hiện từ 1/2020- 9/2021, với kinh phí 148.156 USD. Dự án “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng-Chiến lược hòa nhập NKT tại tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2022” do Tổ chức Caritas CHLB Đức tài trợ (theo Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2020), kinh phí thực hiện dự án là 155.110.99 Euro.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác trợ giúp NKT còn một số khó khăn, hạn chế như: Còn một bộ phận người khuyết tật vẫn khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận tiện; Hỗ trợ người khuyết tật trong giáo dục còn gặp khó khăn, hạn chế như: việc phối hợp với cha mẹ học sinh với nhà trường chưa thường xuyên, phó thác cho nhà trường. Các em vẫn còn mặc cảm trong quá trình giao tiếp, vì vậy số trẻ khuyết tật thực hiện giáo dục hòa nhập chưa cao; Tỷ lệ người khuyết tật được học nghề vẫn còn thấp, phần lớn những người khuyết tật có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm. Số lượng rất ít người khuyết tật tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Để thực hiện hiệu quả hơn công tác trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo, cần tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách trợ giúp người khuyết tật, quyền và trách nhiệm của người khuyết tật đến các ngành, các cấp, gia đình và bản thân người khuyết tật.
Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 như: Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, hỗ trợ người khuyết tật về giáo dục; hỗ trợ người khuyết tật về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ phòng chống thiên tai và hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật; tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông đối với người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông; đẩy mạnh, hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; nâng cao năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật.
Tiếp tục cập nhật dữ liệu về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; duy trì hệ thống thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để kết nối khai thác, sử dụng dữ liệu về người khuyết tật.
Kết nối, điều phối vận động các nhà tài trợ và các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để tiếp tục trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, phối hợp để nắm bắt các dự án hỗ trợ NKT đang và sẽ thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người khuyết tật, trong đó quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người khuyết tật, tạo điều kiện người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin); hỗ trợ người khuyết tật mù được học chữ Braille, tin học; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người người khuyết tật.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện dự án "Xây dựng Trung tâm bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Tri" do KOICA- Hàn Quốc tài trợ./.
Nguyễn Trí Thanh
- Kết quả thực hiện công tác đối với người cao tuổi năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (28/03/2022)
- Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện sau khi sáp nhập (09/07/2022)
- Hướng dẫn lập danh sách đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (28/03/2022)
- Hướng dẫn quản lý, chăm sóc đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội (28/03/2022)
- Tình hình thực hiện các dự án, khoản viện trợ của tổ chức phi chính phủ (NGO) hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (28/03/2022)
- Các chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi (28/03/2022)
- Các chính sách đối với người khuyết tật (28/03/2022)
- Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2012-2018 (28/03/2022)
- Chính sách mới về hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh (28/03/2022)
- Nhìn lại 5 năm (2013-2018) thực hiện một số chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (09/07/2022)