Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 14

Hôm nay: 22745

Tổng lượt truy cập: 788.805

Từ năm 2016- 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 53 chương trình, dự án và khoản viện trợ do các tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ đang được triển khai thực hiện trên lĩnh vực hỗ trợ nạn nhân bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật và khắc phục hậu quả chiến tranh. (trong đó, năm 2016: 20 dự án, năm 2017: 14 dự án, năm 2018:15 dự án, năm 2019: 4 dự án). Các dự án tập trung vào hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh; hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội khác, điển hình như:

 - Các dự án tài trợ khắc phục hậu quả chiến tranh do các tổ chức quốc tế tài trợ như: PeaceTrees Vietnam- PTVN (Hoa Kỳ); Norwegian People's Aid -NPA (Na uy); Humpty Dumpty Institute –HDI (Hoa Kỳ); Mine Advisory Group– MAG (Anh);....vv

   - Các dự án tài trợ hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Catholic Relief Services –CRS (Hoa Kỳ); Tổ chức Viện trợ phát triển AiLen (Irish Aid)  thông qua Dự án RENEW (AiLen; Medipeace (Hàn Quốc); Global Civic Sharing –GCS (Hàn Quốc); Vietnam Assistance for the Handicapped –VNAH (Hoa Kỳ); Caritas Úc tài trợ thông qua Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD); Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Trung tâm hành động vì phát triển cộng đồng (ACDC);....vv

  - Các dự án tài trợ về bảo trợ xã hội do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Plan International; Catholic Relief Services –CRS (Hoa Kỳ); ...vv

 - Các dự án hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Caritas Association (Đức); Hội Friends of Renew tài trợ thông qua Dự án Renew ...vv

 - Các dự án hỗ trợ về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn trong cộng đồng và trường học do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Cơ quan Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tài trợ thông qua tổ chức CRS; ....vv

 - Các dự án hỗ trợ về nông nghiệp - phát triển nông thôn do các tổ chức quốc tế tài trợ như:  Global Civic Sharing –GCS (Hàn Quốc); Plan International, ...vv.

Các dự án, chương trình, khoản viện trợ  NGO trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả, tác động như: (i) Nhờ sự hỗ trợ tích cực về nguồn vốn, nhân lực, công nghệ của các cá nhân, tổ chức NGO đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế và đời sống của nhân dân, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội; (ii) Các dự án về lĩnh vực giáo dục, đào tạo (nâng cao hiểu biết về tác hại bom mìn,…) đã giúp cộng đồng, học sinh tăng cường hiểu biết về các tác hại của bom mìn gây ra, tích lũy kiến thức, kỹ năng để nhận biết và phòng tránh các nguy cơ, tai nạn có thể xảy ra. Nâng cao cơ sở vật chất, chất lượng học tập, đào tạo tại các địa phương; (iii) Các dự án về y tế đã góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cải thiện môi trường sống nhằm bảo vệ sức khỏe; (iv) Các dự án về nông nghiệp - phát triển nông thôn đã hỗ trợ bà con cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng sản xuất, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo việc làm giúp cải thiện thu nhập cho các hộ nghèo, người khuyết tật. Rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có chất lượng, hiệu quả đã được nhân rộng như: nuôi dê, nuôi bò sinh sản; trồng tiêu, rừng ngập mặn, trồng sả...vv.

Trong công tác vận động, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO) trên địa bàn tỉnh gặp những thuận lợi như: Công tác phi Chính phủ nước ngoài nói chung và vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài nói riêng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và địa phương liên quan. Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban ngành liên quan và các địa phương trong công tác vận động, quản lý NGO, đặc biệt là giữa Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công an tỉnh tiếp tục được triển khai tốt tạo hành lang thuận lợi cho công tác vận động và tiếp nhận viện trợ NGO. Việc triển khai thực hiện các khoản viện trợ NGO đúng mục đích, tiến độ và phát huy hiệu quả tốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị đồng thời tạo tiền đề tốt cho công tác vận động viện trợ trong thời gian tới. Cơ chế chia sẻ thông tin, phối hợp kiểm tra và đánh giá các dự án PCPNN có sự tham gia theo dõi, giám sát và đánh giá từ phía cộng đồng. Các địa phương đã quan tâm đến việc bố trí kinh phí đối ứng theo phân cấp cho một số các chương trình, dự án NGO, đặc biệt là các chương trình dài hạn do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Plan quốc tế, MCNV, NPA tài trợ.

Bên cạnh đó, công tác vận động, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO) trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn như: Các tổ chức NGO ngày càng đặt yêu cầu cao hơn về tỷ lệ đóng góp vốn đối ứng của địa phương, trong điều kiện ngân sách tỉnh và các địa phương hưởng lợi quá hạn hẹp, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ. Các dự án vận động và thực hiện tuy nhiều nhiều số lượng nhưng quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn (thường dưới 02 năm); việc giám sát và đánh giá các dự án chưa được tiến hành thường xuyên. Khả năng ứng dụng, chuyển giao, phát triển nhân rộng mô hình của chương trình, dự án còn hạn chế.

(Quang cảnh Hội nghị tập huấn về điều tra, thu thập thông tin dữ liệu về người khuyết tật

do Medipeace tài trợ)

Kế hoạch vận động viện trợ PCPNN của tỉnh Quảng Trị trong những năm tới ưu tiên các ngành, lĩnh vực, địa bàn như sau:

- Khắc phục hậu quả chiến tranh: rà phá bom mìn, giáo dục nhận thức bom min hỗ trợ nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc màu da cam, phát triển sau rà phá và tái định cư, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo và nâng cao hiệu quả công tác điều phối;

- Phát triển, cải thiện điều kiện y tế như xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế xã, công trình cung cấp nước sạch vùng nông thôn, các chương trình chăm sóc bà mẹ, trẻ em, người khuyêt tật, các chương trình khám chữa bệnh, khám răng nhân đạo tại vùng sâu, vùng xa;

- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trung tâm bảo trợ xã hội và phục hồi chức năng cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường năng lực quản lý, kỹ thuật và phát triển nguồn lực, chuyển giao công nghệ.

- Dự kiến trong năm 2019, sau khi Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ NGO giai đoạn đến năm 2025 được ban hành, tỉnh Quảng Trị sẽ nghiên cứu, xây dựng Chương trình xúc tiến vận động viện trợ NGO của tỉnh trên cơ sở tham khảo định hướng của quốc gia và tình hình thực tế của địa phương nhàm tiếp tục định hướng, phát huy công tác hợp tác quốc tế, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để công tác vận động, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO) trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt hơn, Sở Lao động- TB&XH kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương như sau:

-  Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi Chính phủ nước ngoài giai đoạn đến năm 2025 để các địa phương có cơ sở thực hiện và xây dựng Chương trình xúc tiến tại địa phương.

- Tổ chức các khóa tập huấn về công tác vận động, xúc tiến, đào tạo về kỹ năng quản lý, giám sát cho cán bộ địa phương làm công tác NGO.

- Hỗ trợ địa phương vận động các dự án NGO trong các lĩnh vực: Hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

- Tăng cường trao đổi và cung cấp thông tin giữa các cơ quan Trung ương với địa phương về các tổ chức NGO và hoạt động viện trợ của các tổ chức này nhằm giúp địa phương trong quá trình vận động, thu hút và tiếp nhận viện trợ có hiệu quả, đồng thời thông tin kịp thời cho tỉnh các vấn đề liên quan đến các tổ chức NGO có tiềm năng tài chính đang hoạt động tại Việt Nam, hỗ trợ nghiệp vụ cho tỉnh trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức NGO trên địa bàn tỉnh./.

                           Trí Thanh

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video