Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Giới thiệu
- Thủ tục hành chính
- Văn bản
- Báo cáo tài chính
- Chiến lược, QH, KH
- Chuyển đổi số
Đang truy cập: 15
Hôm nay: 567
Tổng lượt truy cập: 812.994
Nhìn lại 5 năm (2013-2018) thực hiện một số chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Ngày đăng: 09-07-2022
- 267 lượt xem
Trong 5 năm qua (2013-2018), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các ngành, các cấp ở tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện một số chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tích chung phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nổi bật là công tác tạo việc làm; giảm nghèo bền vững; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; trợ giúp xã hội.
Chính sách tạo việc làm:
Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm thực hiện các chương trình tạo việc làm; trọng tâm là hình thành các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình sản xuất hiệu quả, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm; khuyến khích các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp tham gia phát triển sản xuất để thu hút lao động; tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động, các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, tích cực đưa thông tin đến với người lao động và người sử dụng lao động. Kết quả tạo việc làm mới qua các năm, cụ thể: năm 2013: 10.300 lao động; năm 2014:11.626 lao động; năm 2015:11.297 lao động; năm 2016: 10.600 lao động; năm 2017:11.782 lao động; năm 2018:11.318 lao động; bình quân hàng năm tạo việc làm mới cho 11.153 lao động/năm (vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra là trên 9.500 lao động/năm).
Công tác xuất khẩu lao động đã được chú trọng triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, số lượng lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tăng dần qua hàng năm, từ 229 lao động năm 2013 lên 1.818 lao động năm 2018. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các xã vùng biển đi xuất khẩu lao động, tính từ ngày 01/6/2016 đến ngày 31/12/2018 đã có 1.402 lao động của các xã, thị trấn vùng biển đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại thị trường các nước: Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chính sách giảm nghèo bền vững:
Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách, dự án như: hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; miễn, giảm học phí, trợ cấp học bổng, hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh trường dân tộc nội trú; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động cho người nghèo.
Hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng 461 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ sản xuất và dân sinh tại các địa bàn huyện nghèo Đakrông (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ); các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi (Chương trình 135) và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Các công trình đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã góp phần hoàn thiện dần hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trạm y tế, trường học, đường giao thông nông thông, thủy lợi nhỏ... bước đầu đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Chương trình giảm nghèo bền vững đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của toàn xã hội. Phong trào “Ngày vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các phong trào tham gia thực hiện giảm nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên các cấp ở địa phương đã thu hút đông đảo sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt là sự đóng góp của người dân ở cộng đồng dân cư (bằng ngày công lao động) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Từ năm 2013 - 2018, tổng nguồn vốn để thực hiện các chính sách, dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 5.868 tỷ đồng (bình quân 838 tỷ đồng/năm).
Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo: (i) Giai đoạn 2011-2015: Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân giảm hàng năm 2,57%/năm (đạt mục tiêu đề ra); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,70% (29.635 hộ nghèo) đầu năm 2011 xuống còn 6,92% (11.781hộ nghèo) cuối năm 2015. (ii) Giai đoạn 2016-2020: Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của Chính phủ, trong 3 năm qua (2016-2018) tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 15,43% (24.579 hộ nghèo) đầu năm 2016 xuống còn 9,68% (16.723 hộ nghèo) cuối năm 2018, bình quân giảm 1,92%/năm (đạt mục tiêu đề ra là giảm 1,5-2,0%/năm). Nhìn chung, chương trình giảm nghèo bền vững đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nghèo ở các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh. Đời sống của người nghèo được cải thiện, nhận thức của người nghèo được nâng lên, được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước.
Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp:
Các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thực hiện tốt Luật Bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm góp phần mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, tiến tới mục tiêu BHXH, BHTN cho mọi người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Các nội dung Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 17/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường lãnh đạo công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2020” được các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN được xem là nhiệm vụ hàng đầu; thường xuyên bám sát, kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị trong việc khai thác, quản lý đối tượng, hoàn thành tốt việc trích nộp BHXH, BHTN.
Việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN cho người lao động luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời và đúng quy định; quản lý chặt chẽ về tăng, giảm các đối tượng hưởng chế độ BHXH hàng tháng; thực hiện quy trình xét, kiểm tra, thẩm định, thanh toán đúng quy định; việc thẩm định hồ sơ hưởng đảm bảo chính xác, trung thực, khách quan. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở các chương trình phối hợp với các sở, ban ngành liên quan, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chủ trì và phối hợp tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã thu hồi nộp quỹ các khoản nợ đọng tiền đóng BHXH, BHTN kéo dài.
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 48.653 người tham gia Bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH đạt 13,90% (trong đó: có 47.062 người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm tỷ lệ 13,44%, tăng 1% so với cuối năm 2013; có 1.591người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ 0,45%, tăng 0,27% so với cuối năm 2013). Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là 16,09%, tăng 1,7% so với năm 2013 (14,39%). Số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp tăng lên 1,54% (4.537 người), từ 11,18% (33.890 người) cuối năm 2013 lên 12,71% (38.427 người) tính đến tháng 12/2018.
Chính sách trợ giúp xã hội:
Các cấp, các ngành ở địa phương đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật người cao tuổi, Luật người khuyết tật và các chương trình, đề án liên quan đến chính sách an sinh xã hội. Công tác trợ giúp xã hội được thực hiện đúng quy định, triển khai đồng bộ và kịp thời, đảm bảo 100% đối tượng có đủ điền kiện diện bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội theo quy định. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 33.266 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh có 04 cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 420 đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nguồn lực để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội khá đa dạng, kết hợp ngân sách trung ương, địa phương và nguồn huy động của xã hội; bình quân kinh phí chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh trên 160 tỷ đồng/năm.
Công tác trợ giúp đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, trợ cấp cứu đói giáp hạt, cứu đói trong dịp tết nguyên đán được thực hiện tốt, kịp thời, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất, bảo đảm 100% hộ gia đình và cá nhân chịu hậu quả thiên tai đều được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.
Tích cực huy động các nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội:
Trong hơn 5 năm qua (2013 - 2018), tổng kinh phí thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội (tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ giúp xã hội) là 12.497 tỷ đồng (bình quân 2.082 tỷ đồng/năm), bao gồm các nguồn từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), chương trình viện trợ của các tổ chức quốc tế, huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh, kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như:
- Ðời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, một số dịch vụ xã hội chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao (51,05%). Nguồn vốn cho vay các dự án, chương trình hỗ trợ tạo việc làm còn hạn chế. Nhiều học sinh đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp, nhưng khó tìm được việc làm hoặc công việc chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo; chất lượng lao động dân tộc thiểu số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
- Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, còn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư. Số lượng hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội còn khá lớn (3.440 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,57% so với tổng số hộ nghèo). Còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước.
- Ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH còn hạn chế, nhất là các doanh nghiệp, đơn vị khu vực ngoài nhà nước, dẫn đến còn tình trạng trốn đóng BHXH, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp (13,90%). Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp (0,45%).
Để đạt được mục tiêu về chính sách an sinh xã hội đến cuối năm 2020, cần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp sau:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về an sinh xã hội:Cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị- xã hội các cấp tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó, tập trung vào các nhóm chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Ưu tiên một phần ngân sách nhà nước để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách xã hội. Tăng cường công tác xã hội hóa, vận động Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, niêm yết công khai và hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội:
+ Tạo việc làm: Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về chính sách tạo việc làm cho người lao động, xem đây là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và chính bản thân người lao động trong công tác tạo việc làm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác tạo việc làm, gắn tạo việc làm với sử dụng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách việc làm. Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, xem đây là một giải pháp giải quyết việc làm nâng cao thu nhập của người lao động nhằm giảm nghèo bền vững. Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án 2285/ĐA-UBND ngày 30/5/2017 của UBND tỉnh về chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho ngư dân vùng biển tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, có tính đến năm 2025. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội cụ thể của từng ngành, từng địa phương gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt ưu tiên sử dụng nguồn lực của địa phương, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tăng cường công tác thông tin, dự báo và kết nối cung cầu lao động, các hoạt động dịch vụ việc làm; thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh, để có cơ sở xây dựng kế hoạch tạo việc làm hàng năm phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương.
+ Giảm nghèo bền vững: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị số 07/CT-TU, ngày 22/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo; tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó ưu tiên các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa nguồn vốn, từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn huy động đóng góp của doanh nghiệp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
+ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp: Quán triệt mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm giúp doanh nghiệp và người dân hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tập trung đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 1061/UBND-VX, ngày 22/3/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tổ chức điều tra, khảo sát, nắm cụ thể số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, số lao động làm việc chưa thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, bắt buộc chủ sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH để hạn chế tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội. Giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
+ Trợ giúp xã hội nhóm đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và các chính sách có liên quan về trợ giúp xã hội để bảo đảm ổn định cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn. Quản lý đối tượng bảo trợ có hiệu quả, lập hồ sơ quản lý đối tượng tại cộng đồng do xã, phường, thị trấn quản lý; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện đều được hưởng chế độ trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo trợ xã hội; tiếp tục vận động các tổ chức quốc tế tài trợ thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội./.
Nguyễn Trí Thanh
- Công tác đối với người cao tuổi ở tỉnh Quảng Trị – Kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới (28/03/2022)
- Một số kết quả đạt được và những nhiệm vụ trọng tâm về hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (09/07/2022)
- Các văn bản mới về lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo (09/07/2022)
- Một số quy định mới trong việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện (30/03/2022)
- Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (30/03/2022)
- Một số nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 (30/03/2022)
- Hội thảo đánh giá thực trạng nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. (30/03/2022)
- Quy định mới về định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội (30/03/2022)
- Hệ thống các văn bản về chính sách bảo trợ xã hội (tính đến ngày 30/4/2018) (30/03/2022)