Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 239

Tổng lượt truy cập: 801.966

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được một số ý kiến hỏi như sau: Trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác thì được hỗ trợ khẩn cấp như thế nào?”

          Vấn đề này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin trả lời như sau:

Tại Điều 16 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) đã quy định Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác như sau:

 1. Trẻ em có cả cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng thì thuộc diện được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng và được hỗ trợ như sau:

- Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng: 60.000 đồng/người/ngày.

- Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện như sau:

Đối với đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Đối với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tương ứng.

- Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/1 km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê.

2. Thủ tục hỗ trợ trẻ em quy định tại khoản 1 nêu trên thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 20/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

a) Trưởng thôn, bản, khóm, tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn) lập danh sách Trẻ em có cả cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng cần được hỗ trợ;

b) Trưởng thôn chủ trì hợp với đại diện của các tổ chức có liên quan trong thôn để xem xét các trường hợp trẻ em nói trên cần hỗ trợ và lập danh sách, gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định hỗ trợ ngay những trường hợp cấp thiết. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện;

d) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ;

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hỗ trợ. Trường hợp thiếu nguồn lực thì có văn bản đề nghị trợ giúp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính;

e) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

3. Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng là không quá 03 tháng. Trường hợp hết thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng mà hộ gia đình, cá nhân không nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hộ gia đình, cá nhân khác nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời hoặc có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.

 (Xem chi tiết Điều 13, Điều 16 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP tại đây)./.

                                                                           Nguyễn Trí Thanh

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video