Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Giới thiệu
- Thủ tục hành chính
- Văn bản
- Báo cáo tài chính
- Chiến lược, QH, KH
- Chuyển đổi số
Đang truy cập: 6
Hôm nay: 241
Tổng lượt truy cập: 789.676
Tìm kiếm, quy tập, chăm sóc phần mộ, một khía cạnh của chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” sau chiến tranh
- Ngày đăng: 30-03-2022
- 233 lượt xem
Nhìn lại hơn nửa thế kỷ đấu tranh anh dũng, dưới sự Lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang giải phóng đất nước, thống nhất và đang vững bước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để có được thắng lợi oanh liệt ấy, đồng bào và chiến sỹ cả nước có những hy sinh hết sức to lớn. Hàng triệu người đã hiến dâng cuộc đời mình và hàng chục vạn người đã góp phần xương máu cho Tổ quốc quyết sinh và thống nhất.
Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”; hoạt động đền ơn đáp nghĩa không chỉ là chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn là đạo lý của dân tộc đối với những người con ưu tú, đã hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của Tổ Quốc và hạnh phúc của nhân dân. Trong đó, việc tìm kiếm, quy tập, chăm sóc phần mộ Liệt sỹ là một khía cạnh hết sức quan trọng thể hiện trách nhiệm, bổn phận và tình cảm thiêng liêng, trân trọng của mỗi người đối với những người đã hiến dâng trọn đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Kế thừa truyền thống và phong tục tốt đẹp của dân tộc, cả trong và nhất là sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm tổ chức tìm kiếm, cất bốc hài cốt Liệt sỹ hy sinh ở các chiến trường, quy tập về an nghĩ ở các Nghĩa trang liệt sỹ và chăm sóc các phần mộ Liệt sỹ với sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân.
Đến nay, cả nước đã xây dựng và hoàn chỉnh gần 3.000 nghĩa trang Liệt sỹ, nơi yên nghĩ vĩnh hằng của các anh hùng Liệt sỹ. Nhiều Nghĩa trang Liệt sỹ đã trở thành công trình văn hóa-lịch sử của đất nước, như: Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên, Nghĩa trang Liệt sỹ Hàng Dương……Cùng với việc xây dựng các nghĩa trang liệt sỹ, nhiều công trình tưởng niệm Liệt sỹ được xây dựng như Tượng Đài chiến thắng Núi Thành, Đền thờ Liệt sỹ Bến Dược, Tượng Đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ….
Những năm gần đây, việc xây dựng nhà bia liệt sỹ ở xã, phường, thị trấn cũng được phát triển rộng rãi ở các địa phương để ghi lại công ơn các Anh hùng Liệt sỹ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập dân tộc của Tổ quốc. Cùng với công trình tưởng niệm Liệt sỹ, hàng ngàn nhà bia được xây dựng góp phần tích cực giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước và lòng tự hào đối với quê hương.
Với dãi đất Miền Trung, dường như lịch sử và đất nước Việt Nam đã chọn Quảng Trị làm nơi đụng đầu lịch sử giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ở Vĩ tuyến 17 Bến Hải được chọn làm giới tuyến quân sự tạm thời để tiến tới tổng tuyển cử sau 2 năm. Tiếp đó, năm 1973, theo Hiệp định Pari, lại một lần nữa sông Thạch Hãn-Quảng Trị lại là ranh giới chính giữa cách mạng và chế độ Sài Gòn. Âm vang của những chiến công hiển hách của quân và dân tỉnh Quảng Trị gắn liền với những địa danh như: Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh đặc biệt là chiến dịch 81 ngày đêm giữ Thành Cổ Quảng Trị, như nhà thơ Trần Bạch Đằng đã viết:
“Hễ có Việt Nam có Cổ Thành
Kết vòng hoa lửa với Khe Sanh
Huân chương khó đủ từng viên gạch
Tấc đất, từng giây mỗi lá cành”
Để có được đại thắng Mùa Xuân năm 1975, cũng như cả nước, tỉnh Quảng Trị đã chịu nhiều tổn thất, mất mát hy sinh cả người và của. Chiến tranh xâm lược của Mỹ đã hủy diệt, đốt sạch, phá sạch những gì tồn tại trên mảnh đất tỉnh Quảng Trị. Sau chiến tranh, toàn tỉnh Quảng Trị chỉ còn một làng tương đối nguyên vẹn, còn lại 899/900 làng bị bom cày, đạn xới, 2 thị xã Quảng Trị và Đông Hà bị hủy diệt hoàn toàn. Chứng tích còn lại sau chiến tranh là Trường Bồ Đề đầy vết tích bom đạn.
Chiến tranh kết thúc, nhân dân tỉnh Quảng Trị lại bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực triển khai chính sách xã hội thời hậu chiến. Theo số liệu của Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, tính đến nay, Quảng Trị đã tìm kiếm và quy tập được gần 70.000 hài cốt Liệt sỹ về an táng ở 72 Nghĩa trang liệt sỹ, trong đó Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn: 10.263 mộ Liệt sỹ của Bộ đội Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9: 10.662 mộ. Có 63 Nghĩa trang Liệt sỹ xã, phường; có 3 Nghĩa trang Liệt sỹ xã có quy mô gần 2.000 mộ liệt sỹ (Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hải Thượng 1.994 mộ, Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hải Phú 1.965 mộ, Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hải Trường 1.175 mộ…).
Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9
Tất cả các Nghĩa trang Liệt sỹ hàng năm đều được tu tạo khang trang sạch đẹp và chăm sóc chu đáo. Năm 2017, đã tổ chức khởi công xây dựng 45 công trình nhà bia, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ với kinh phí trên 100 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng 254 nhà tình nghĩa đối với người có công với cách mạng với kinh phí 16,52 tỉ đồng; hoàn thành Dự án của Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ cho Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn xây dựng đường khuôn viên viên nghĩa trang; đường từ Nghĩa trang ra đến giáp đường Hồ Chí Minh và đường điện ánh sáng từ đường Hồ Chí Minh vào đến trong khuôn viên Nghĩa trang để xứng đáng với với tầm vóc lịch sử của nó.
Hàng năm cứ đến tháng 7, dòng người lại đổ về
Các Nghĩa trang Liệt sỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ
Những năm sau chiến tranh, các thân nhân Liệt sỹ bắt đầu tỏa đi tìm phần mộ của người thân mình. Rất nhiều người trong số họ chỉ vỏn vẹn có một giấy báo tử với dòng chữ “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”; thế là họ đến Quảng Trị-đầu cầu giới tuyến, nơi tập trung nhiều trận đánh lớn, thương vong nhiều và cũng là nơi có nhiều Mộ Liệt sỹ nhất cả nước, hy vọng tìm được phần mộ của người thân.
Sau 20 năm đi vào hoạt động, Nhà đón tiếp thân nhân Liệt sỹ tỉnh Quảng Trị đã đón tiếp ân cần và phục vụ ăn nghỉ, đi lại miễn phí theo chế độ của Nhà nước trên 130.000 lượt thân nhân Liệt sỹ trong cả nước đến thăm viếng và tìm kiếm Mộ Liệt sỹ. Riêng năm 2017, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), 45 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị (1972-2017), thân nhân tấp nập vào viếng Mộ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9, các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh hơn 7.200 lượt người.
Thành công lớn của cán bộ viên chức Nhà đón tiếp thân nhân Liệt sỹ, Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Ban Quản lý nghĩa trang Liệt sỹ Đường 9 không phải là phục vụ được bao nhiêu đối tượng mà ở chổ thể hiện lương tâm và trách nhiệm của những người đang sống với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc, đã đang và sẽ là động lực rất lớn để mỗi một cán bộ CCVC của Ngành Lao động –Thương binh và Xã hội Quảng Trị hoàn thành ngày một tốt hơn công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa này./.
Lê Nguyễn Huyền Trang
- Lễ khởi công công trình cải tạo, nâng cấp một số hạng mục Khu mộ Liệt sỹ Hải Phòng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (30/03/2022)
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tổng kết các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh Liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2017 (30/03/2022)
- Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về phương án tổ chức và hoạt động của Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Trị (30/03/2022)
- Nhìn lại 05 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (30/03/2022)
- Sử dụng Logo 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (30/03/2022)
- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng (30/03/2022)
- Nơi chốn linh thiêng (30/03/2022)
- Quyết định trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học (30/03/2022)
- Quyết định trợ cấp tuất hàng tháng, mai táng phí và trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có công với cách mạng hoặc của thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng đã từ trần (30/03/2022)