Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 14

Hôm nay: 146

Tổng lượt truy cập: 812.573

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng, không những làm cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt kết quả tốt, mà còn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững. Trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 thì điều này càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đ/c Lê Nguyễn Huyền Trang, PGĐ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu khai mạc  Hội thi An toàn, vệ sinh lao động năm 2023

           Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự biến động của nền kinh tế thế giới nên nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh gặp khó khăn. Điều này dẫn tới hệ quả phát sinh những tranh chấp về tiền lương, chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… do các doanh nghiệp đều phải xem xét cơ cấu tổ chức lại để duy trì hoạt động và vượt qua giai đoạn khó khăn. Để thực hiện tốt các tranh chấp về lao động, trong thời gian qua, Sở Lao động-TB&XH đã chủ trì, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Công đoàn cùng cấp nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, những ý kiến, kiến nghị của CNVCLĐ trong quá trình thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động và các chính sách có liên quan đến người lao động để kiến nghị với UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện thực tế như: chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; hướng dẫn thực hiện công tác An toàn, vệ sinh lao động và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm; chính sách xây dựng nhà ở cho CNLĐ, nhà trẻ cho con CNLĐ trong các khu kinh tế, khu Công nghiệp …

             Về công tác tư vấn pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các cấp công đoàn đã chú trọng tổ chức thực hiện. Mỗi năm, Ngành Lao động-TB&XH tư vấn bình quân cho trên 450 lượt, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tư vấn bình quân cho trên 50 lượt, Liên đoàn Lao động cấp huyện, ngành tư vấn bình quân cho gần 2.300 lượt công nhân viên chức lao động. Hàng năm, hai ngành đã phối hợp tổ chức Lễ phát động “Tháng công nhân” và “Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động”.

Ngành Lao động-TB&XH và Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn cấp huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở tham gia với doanh nghiệp xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho công nhân lao động.

  Quan tâm tác bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng thương lượng, giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở; rà soát những doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể để hỗ trợ công đoàn cơ sở hoặc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết. Tổ chức 03 lớp hướng dẫn quy trình, nội dung thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cho 150 cán bộ công đoàn cơ sở; cử cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ công đoàn cơ sở tham gia với người sử dụng lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thư viện thỏa ước lao động tập thể cũng đã được Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng trên trang thông tin điện tử Công đoàn tỉnh để các đơn vị, doanh nghiệp và các cấp công đoàn nghiên cứu, tham khảo. Kết quả, đến nay đã có 75% số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở thực hiện được việc ký thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi hơn cho công nhân lao động so với quy định pháp luật.

Đối với công tác hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động, hằng năm, Sở Lao động-TB&XH tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên lao động. Qua đó, năng lực hòa giải của hòa giải viên đã được nâng lên. Trong 5 năm qua, Quảng Trị xảy ra 10 vụ tranh chấp lao động, nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH đối với người lao động và vi phạm các quyền lợi khác, số đơn kiến nghị của tập thể người lao động tăng, có 78 đơn kiến nghị gửi đến công đoàn các cấp. Khi xảy ra tranh chấp lao động, các cấp Công đoàn đã phối hợp với cơ quan Lao động-TB&XH, cơ quan Công an chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết vụ việc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Sở Lao động-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 03 buổi đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về các nội dung của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; tiếp thu những đề xuất hợp lý của người lao động để kịp thời kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt năm 2023, Sở Lao động-TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với đoàn viên, CBVCLĐ năm 2023.

Sở Lao động-TB&XH đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh, cùng các ngành có liên quan trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động về chế độ tiền lương, Bảo hiểm xã hội, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ... của người lao động. Giai đoạn 2018-2023 đã giải quyết 105 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động gửi đến các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn đề nghị can thiệp giải quyết quyền lợi lao động; phối hợp nắm bắt tư tưởng, vận động CNLĐ không nghe theo xúi giục, kích động của các thế lực thù địch, tham gia biểu tình gây rối, làm mất tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.

 

Đ/c Lê Nguyễn Huyền Trang -PGĐ Sở Lao động-Thương binh và Xã hộ, Đ/c Nguyễn Thanh Bắc- PCT UBND huyện Cam Lộ tặng hoa cho đơn vị làm công tác giới thiệu việc làm

            Về công tác kiểm tra, thanh tra lao động, Ngành Lao động-TB&XH, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với công đoàn các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, các chính sách có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công nhân lao động. Hằng năm, các Sở, Ban ngành đã phối hợp với công đoàn các cấp kiểm tra bình quân 50 doanh nghiệp trên địa bàn. Chất lượng kiểm tra, thanh tra được nâng lên, kết luận thanh tra, kiểm tra đầy đủ, cụ thể nhằm yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Trong quá trình phối hợp quản lý, kiểm tra giữa các ngành, còn một số tồn tại hạn chế trong thực hiện như sau:

- Còn nhiều người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở chưa chú trọng đến quy trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, do đó vẫn còn nhiều thỏa ước lao động tập thể hạn chế về chất lượng, chưa đảm bảo nhu cầu của người lao động.

  • Công tác tham gia xây dựng thang lương, bảng lương của công đoàn cơ sở cũng còn hạn chế. Phần lớn công đoàn cơ sở nhất trí theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng, chưa đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động về mức lương, thời hạn nâng bậc lương phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động.
  • Năng lực hòa giải của hòa giải viên tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu hòa giải lao động.

Để phòng ngừa, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, ngay từ khi mới manh nha xuất hiện, có nguy cơ xảy ra tranh chấp, ngừng việc tập thể trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, Sở Lao động-TB&XH, Liên đoàn lao động tỉnh và các ngành liên quan cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp giữa các ngành trong công tác tuyên truyền, tư vấn NLĐ, NSDLĐ về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn, lấy quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ làm động lực ổn định doanh nghiệp. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần dành một phần lợi nhuận để tổ chức các hoạt động gắn kết NLĐ với công ty, có kế hoạch tăng lương, thưởng Tết, các chế độ phúc lợi thỏa đáng được NLĐ chấp nhận. Ngược lại, việc phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống của NLĐ. Tăng cường tổ chức tư vấn pháp luật về thực hiện chế độ chính sách tiền lương, chế độ thai sản, làm thêm giờ, ký kết hợp đồng lao động, chế độ thất nghiệp… Việc thực hiện giao kết hợp đồng lao động giữa NLĐ và NSDLĐ phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Không ký hợp đồng lao động có xác định thời gian, hoặc ngắn hạn đối với công việc mang tính thường xuyên. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho NLĐ và chủ doanh nghiệp, hạn chế để xảy ra tình trạng lao động ngừng việc tập thể.

Thứ hai, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết và thực thi thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong doanh nghiệp. Đổi mới công tác đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện thoả ước lao động tập thể. Chỉ đạo Công đoàn cơ sở chủ động, phối hợp đề xuất với NSDLĐ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất để nắm bắt tâm tư nguyện vọng NLĐ, kịp thời giải quyết các vướng mắc tránh những nguy cơ tiềm ẩn xung đột giữa NLĐ và NSDLĐ. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên nắm bắt thông tin bằng cách thiết lập các kênh thông tin từ cơ sở về tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, khó khăn chung của doanh nghiệp và NLĐ… để kịp thời đề xuất, kiến nghị, phối hợp tham gia kiểm tra giám sát cùng các cơ quan, ban, ngành chức năng giải quyết, tháo gỡ mầm mống mâu thuẫn trong quan hệ lao động. Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, công đoàn cấp trên kịp thời phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, NLĐ, NSDLĐ đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lan rộng. Công đoàn vận động NLĐ giữ trật tự không làm theo sự kích động của một bộ phận có động cơ xấu gây ra những hành động trái pháp luật. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động, như: bảo đảm việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Thứ ba, thường xuyên nắm bắt tình hình về an ninh trật tự tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các dấu hiệu hoạt động, móc nối, lôi kéo, kích động người lao động đình công, ngừng việc không đúng quy định, gây phức tạp về an ninh trật tự. Đầu tư nguồn lực cho công đoàn doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có đông công nhân để làm tốt chức năng quan hệ lao động; ưu tiên đầu tư cho công tác tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người lao động, công tác đối thoại và thương lượng tập thể.

Thứ tư, triển khai các giải pháp về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về quan hệ lao động. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ công chức làm công tác quản lý quan hệ lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi có tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn. Kiện toàn số lượng và chất lượng đội ngũ thanh tra lao động. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, nội dung thanh tra, kiểm tra toàn diện hoặc theo chuyên đề. Thông qua thanh tra, kiểm tra phát hiện các sai phạm của các doanh nghiệp để kịp thời xử lý, chấn chỉnh, đồng thời hướng dẫn cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện đúng các quy định của pháp luật./.

                                                  Lê Nguyễn Huyền Trang

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video