Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 23356

Tổng lượt truy cập: 789.416

Ngày 27/12/2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 30a), theo đó tỉnh Quảng Trị có huyện Đakrông là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Qua 10 năm (2008-2019) thực hiện Nghị quyết 30a tại huyện Đakrông, chúng tôi có một số đánh giá về kết quả thực hiện, những khó khăn, hạn chế và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 30a trong thời gian tới.

         Đakrông là một huyện miền núi nằm về phía Tây tỉnh Quảng Trị, có diện tích đất tự nhiên là 122.444ha, dân số 44.680 nhân khẩu, với 10.141hộ, trong đó có trên 77% là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Pa Cô; toàn huyện có 9/14 xã, thị trấn thuộc diện xã đặc biệt khó khăn.

          Được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng với sự quyết tâm nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đakrông đã phát huy tinh thần sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh. Đặc biệt trong hơn 10 năm qua (2008-2019), huyện Đakrông triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết 30a và đạt được một số kết quả điển hình như:

Về chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập:

Hỗ trợ xây dựng các quy hoạch sản xuất nông, lâm, thủy sản và chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới cấp huyện Đakrông được phê duyệt. Qua đó, đã phục vụ cho việc định hướng phát triển kinh tế- xã hội, chỉ đạo sản xuất được hợp lý, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của huyện, xã theo hướng nông thôn mới; hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt các thế mạnh của vùng; hình thành các vùng sản xuất tập trung cây, con chủ lực của huyện như: ngô, lạc, cao su, vùng gỗ nguyên liệu, chăn nuôi đại gia súc.

Hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện tự nhiện của huyện, theo quy hoạch và nguyện vọng của người dân, hỗ trợ trực tiếp cho người dân phát triển sản xuất trên 24,003 tỷ đồng (trong đó: ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 22,138 tỷ đồng, kinh phí người dân đóng góp 1,865 tỷ đồng), với 4.172 hộ hưởng lợi (trong đó có 3.785 hộ nghèo), cụ thể: (i) Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp như: bò cái vàng, lợn nái móng cái, dê địa phương, lợn thịt F1, giống cây trồng như: ngô, chuối, dứa Queen và thức ăn cho vật nuôi, thuốc thú y, phân bón các loại; (ii) Hỗ trợ tiền mặt để làm 401 chuồng trại chăn nuôi; (iii) Hỗ trợ máy móc: 03 máy tuốt lúa đạp chân có gắn động cơ xăng, 09 máy xát lúa và nghiền ngô, 10 máy gieo lạc. Thông qua việc hỗ trợ làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ phân bón, hỗ trợ các giống vật nuôi, cây trồng mới làm cho người dân đã có điều kiện để chuyển từ hình thức sản xuất quảng canh sang hình thức sản xuất bán thâm canh và thâm canh. Năng suất các loại cây trồng đều tăng lên qua các năm; Chăn nuôi có chuồng trại và chủ động được nguồn thức ăn nên hạn chế tình trạng gia súc bị gầy yếu và chết trong những đợt rét đậm rét hại. Máy móc cũng được hỗ trợ kịp thời để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng dần sức lao động cho người dân.

Các mô hình phát triển sản suất: Trong hơn 10 năm qua (2008 - 2019) đã xây dựng được một số mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, có 303 hộ và 02 cộng đồng thôn tham gia, với tổng kinh phí trên 5,851 tỷ đồng, trong đó: kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 4,483 tỷ đồng, người dân đóng góp 1,267 tỷ đồng, Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề Nông thôn Việt Nam hỗ trợ 100 triệu đồng. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng cao su tiểu điền; Mô hình nuôi lợn bản; Mô hình lâm sản ngoại gỗ; Mô hình thí điểm trồng cây macca; Mô hình thâm canh cây lúa nước; Mô hình thâm canh cây chuối; Mô hình nuôi dê nhốt; Mô hình trồng cây gỗ lớn. Bằng những nguồn lực hỗ trợ ban đầu kết hợp với sự giám sát trong quá trình thực hiện, các mô hình bước đầu có những tác động tích cực đối với người dân, thay đổi dần tập quán sản xuất, tạo thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang để sản xuất nông nghiệp: hỗ trợ 261 hộ gia đình khai hoang, phục hóa 39,1 ha (trong đó: khai hoang 24,5 ha, phục hóa 14,6 ha).

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thông tin thị trường và khôi phục nghề truyền thống: Hỗ trợ 150 triệu đồng thực hiện xây dựng Website Công thương để giới thiệu sản phẩm, thu hút đầu tư. Tổ chức đăng ký bản quyền thương hiệu, lắp đặt panô quảng cáo, hỗ trợ nguyên vật liệu và tập huấn cho 10 hộ gia đình về ứng dụng kỹ thuật cao trong làm rượu cần truyền thống. Đến nay, trên địa bàn huyện Đakrông đã có một số sản phẩm được đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng như: Rượu cần truyền thống của người Vân Kiều xã Hướng Hiệp; Rượu men lá truyền thống Ba Nang. Hàng năm, bố trí kinh phí cho công tác này để hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào huyện nhà và hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm truyền thống ở xã A Bung, rượu men lá ở xã Ba Nang.

Hỗ trợ chăm sóc bảo vệ rừng, nhận rừng và giao rừng, giao đất để trồng rừng sản xuất: (i) Giao khoán, chăm sóc bảo vệ rừng: Đã thực hiện giao khoán 13.056 ha rừng các hộ gia đình nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng cho 1.176 hộ gia đình. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ nhận giao khoán cho các hộ theo đúng quy định. Việc lập hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng theo đúng trình tự, thủ tục giao khoán; (ii) Thực hiện hỗ trợ trên 204,4 tấn gạo, với tổng kinh phí 2,051 tỷ đồng cho hộ nghèo tại các xã tham gia trồng rừng và nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực theo dự án được duyệt. Nhìn chung, công tác giao khoán bảo vệ rừng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, hỗ trợ thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng và ven rừng. Nhận thức của người dân về lợi ích của rừng, về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong việc nhận bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã dần chuyển đổi từ tập quán canh tác lạc hậu với năng suất thấp sang canh tác ổn định với nhiều loài cây, con năng suất cao như: trồng cao su, keo, tràm, sản xuất lúa nước, ngô. Chất lượng rừng được giao khoán được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, tính đa dạng sinh học của rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển; (iii) Giao đất trồng rừng: đã cấp 2.990 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.540 hộ gia đình, với diện tích 2.884ha. Công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đất rừng sản xuất có tác động tích cực đối với người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, người dân thực hiện các quyền lợi về quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh để tạo vốn sản xuất và định hướng phát triển lâu dài; (iv) Hỗ trợ trồng rừng: đã hỗ trợ đầu tư 3.187,9 ha trên địa bàn các xã Hướng Hiệp, Mò Ó, Hải Phúc, ĐaKrông, Tà Long, Ba Nang, Húc Nghì, Tà Rụt, A Ngo, A Vao và A Bung, với tổng vốn đầu tư trên 14,56 tỷ đồng. Trồng rừng sản xuất góp phần tăng độ che phủ và cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn huyện Đakrông. Nhiều hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đã thoát nghèo, kinh tế phát triển mạnh nhờ vào trồng rừng sản xuất. Bên cạnh hiệu quả kinh tế, việc trồng rừng còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ được nguồn nước trong mùa khô; chống xói mòn, cố định đạm trong đất, tăng tỷ lệ độ che phủ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động: Đã tư vấn, tuyên truyền xuất khẩu lao động đến từng thôn, bản. Thực hiện phát 45.400 tờ rơi đến tất cả người dân của 14 xã, thị trấn. Đã có 764 lao động được gửi đi đào tạo, trong đó: 589 lao động là người dân tộc thiểu số; 149 lao động thuộc diện hộ nghèo. Đã xuất cảnh được 550 lao động sang các thị trường Nhật Bản, Trung Đông và Malaixia, Hàn Quốc, Đài Loan với 251 lao động là người DTTS và 65 lao động thuộc diện hộ nghèo. Người tham gia xuất khẩu lao động đã được đào tạo nghề nghiệp, khi lao động ở nước ngoài đã có thu nhập gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Chính sách hỗ trợ truyền thông: Công tác thông tin tuyên truyền đã được tổ chức thực hiện một cách kịp thời. Huyện Đakrông tổ chức tuyên truyền Nghị quyết 30a bằng nhiều hình thức: Tổ chức hội thi: “Tìm hiểu Nghị quyết 30a gắn với phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; Tuyên truyền lưu động, cổ động trực quan; Tổ chức các buổi truyền thông, đối thoại về các chính sách giảm nghèo tại các xã trên địa bàn huyện. Qua các hoạt động tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện hiểu biết sâu sắc hơn về các chương trình, mục tiêu, mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết 30a, đồng thời vận động được đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về chính sách giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí:

Chính sách giáo dục- đào tạo, nâng cao mặt bằng dân trí: Tổ chức đào tạo 22 cán bộ công chức xã tham gia học lớp Trung cấp kinh tế tại tỉnh; 12 cán bộ công chức tham gia lớp Trung cấp chính trị; 316 cán bộ cấp xã tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Tổ chức 02 lớp Trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ huyện và xã với 175 học viên. Tổ chức 57 lớp tập huấn cho cán bộ thôn, bản và 02 lớp tập huấn cho trí thức trẻ, cán bộ xã về nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho 1.822 lượt người và thực hiện 06 chuyến học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ xã và trí thức trẻ. 

Dạy nghề gắn tạo việc làm: Tổ chức 03 lớp đào tạo khuyến nông khuyến ngư cho 87 học viên là cán bộ khuyến nông viên thôn bản trên địa bàn toàn huyện; đào tạo nghề, tập huấn nghề ngắn hạn cho 8.744 lao động trong đó có chứng chỉ nghề 2.733 lao động. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề chiếm 38,46%; trung bình hàng năm tạo việc làm mới cho trên 800 lao động.

Về chính sách tăng cường, thu hút cán bộ, trí thức trẻ đối với các huyện nghèo:

Huyện Đakrông đã thực hiện luân chuyển, tăng cường 05 cán bộ từ huyện về xã và đến nay có 36 trí thức trẻ về công tác tại 13 xã trên địa bàn huyện. Huyện đã bố trí 07 trí thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND tại 07 xã của huyện. Năm 2017, UBND huyện đã tổ chức tổng kết dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã, đến nay các đội viên đã được bố trí vào vị trí việc làm phù hợp.

Về chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng:

Đã hỗ trợ đầu tư 115 công trình trên địa bàn huyện Đakrông (trong đó: 96 công trình đầu tư từ nguồn vốn đầu tư phát triển, 19 công trình duy tu sửa chữa từ nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư), với tổng kinh phí là 316,062 tỷ đồng, (trong đó vốn đầu tư phát triển: 296,799 tỷ đồng, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư:19,263 tỷ đồng), bao gồm: 03 công trình cấp huyện, với tổng kinh phí 17,764 tỷ đồng (01 công trình cơ sở dạy nghề tổng hợp; 01 công trình bệnh viện huyện; 01 công trình trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp huyện); 93 công trình cấp xã, với tổng kinh phí 279,035 tỷ đồng (15 công trình trường học; 04 công trình trạm y tế xã đạt tiêu chuẩn; 54 công trình đường giao thông liên thôn, bản, đường vào các khu kinh tế, sản xuất tập trung; 05 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; 04 công trình điện phục vụ sản xuất và dân sinh; 9 công trình nước sinh hoạt tập trung; 02 công trình trạm chuyển tiếp phát thanh xã); Duy tu, sửa chữa 19 công trình, với kinh phí là 19,263 tỷ đồng (8 công trình đường, 11 công trình nước và một số hạng mục nhỏ khác). Ngoài ra còn bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và lồng ghép với các nguồn vốn khác: 16 công trình, với kinh phí 17,764 tỷ đồng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện theo trình tự ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh, khắc phục sự đầu tư dàn trải; công tác giám sát thi công được chú trọng, đồng thời đã tích cực lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện.

Trong hơn 10 năm qua (2008-2019), tổng nguốn vốn đã được bố trí, huy động để thực hiện Nghị quyết 30a tại huyện Đakrông là 545,675 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương bố trí thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a là 409,652 tỷ đồng (vốn đầu tư cơ sở hạ tầng: 305,473 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 104,179 tỷ đồng). Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hỗ trợ trên 72,312 tỷ đồng; Tổng Công ty lương thực Miền Bắc hỗ trợ là 2,321 tỷ đồng. Nhìn chung, các nội dung hỗ trợ, đầu tư thực hiện theo Nghị quyết 30a của Viettel và Tổng công ty lương thực Miền Bắc trên địa bàn huyện Đakrông đã phát huy kết quả tích cực như: xóa nhà tạm cho hộ nghèo đồng bào; hoàn thiện mạng lưới viễn thông; khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ cấp huyện, xã tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ công tác và nâng cao trình độ chuyên môn; khích lệ cán bộ, giáo viên và học sinh trong công tác dạy và học; nâng cấp cơ sở vật chất nhằm cải thiện dịch vụ y tế cho người dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, trong giai đoạn 2008-2019, các tổ chức, dự án phi chính phủ (NGO) đã hỗ trợ huyện Đakrông trên 61,39 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm nhẹ nguy cơ rủi ro cho người dân trên địa bàn, qua đó góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại huyện nghèo Đakrông.

Đánh giá kết quả đạt được của Nghị quyết 30a tại huyện Đakrông:

Các cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp ở huyện Đakrông luôn xác định giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết 30a mà nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đã được nâng lên. Các ngành chức năng tham mưu cho UBND các cấp đã phát huy trách nhiệm, chủ động nghiên cứu đề xuất và giải quyết công việc theo thẩm quyền nhằm bảo đảm cho triển khai thực hiện các chính sách, dự án đúng thời gian, đúng tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân. Đặc biệt, hầu hết người nghèo đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo.

Về mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo: Theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010: Năm 2009 lệ hộ nghèo huyện Đakrông là 41%, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,3% xuống còn 34,7%; Theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015: Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo huyện Đakrông là 47,64% và giảm xuống còn 25,92% năm 2015. Bình quân trong giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đakrông giảm 5,43%/năm; Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo huyện Đakrông là 56,55%, cuối năm 2018 giảm xuống còn 39,72%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,61%/năm. Nhìn chung, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đakrông cao hơn so với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Nghị quyết 30a đề ra. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo, nghèo phát sinh vẫn còn cao. Chất lượng cuộc sống của nhóm hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo còn mức thấp, chưa bền vững, các hộ thoát nghèo cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội: (i) Thu nhập bình quân đầu người: từ 2,5 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 4,5 triệu đồng/người/năm (năm 2010); đạt 14,5 triệu đồng/người/năm (năm 2018). (ii) Tốc độ tăng trưởng theo giá trị sản xuất (GO) giai đoạn 2009-2018 bình quân mỗi năm đạt 17%, cụ thể: năm 2009 tăng 11,2% so với năm 2008; năm 2018 tăng 18,08% so với năm 2017. (iii) Chuyển dịch cơ cấu sản xuất thay đổi theo hướng hợp lý: tỷ trọng sản phẩm nông-lâm-ngư nghiệp giảm từ 49,28% (năm 2008) xuống còn 30,73% (năm 2018); tỷ trọng sản phẩm công nghiệp-xây dựng tăng từ 20,16% (năm 2008) lên 35,97% (năm 2018); tỷ trọng sản phẩm thương mại-dịch vụ tăng từ 30,56% (năm 2008) lên 33,30% (năm 2018). (iv) Tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm: đến cuối năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề chiếm 38,46%, trong đó số lao động qua đào tạo nghề 25,67%, hàng năm tạo việc làm mới cho trên 800 lao động. (v) Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98,6%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đô thị đạt 93%, có 28 thôn, khóm được công nhận và công nhận lại là đơn vị văn hóa cấp huyện, đề nghị UBND tỉnh công nhận 04 thôn, khóm đơn vị văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. (vi) Hạ tầng cơ sở: Qua 10 năm, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được tập trung đầu tư xây dựng tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất và đời sống; kinh tế - xã hội của địa phương đã có bước phát triển mới, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao.

Thông qua thực hiện Nghị quyết 30a tại huyện Đakrông đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nghèo ở các vùng, các nhóm dân cư. Đặc biệt, bộ mặt thôn, bản đã thay đổi đáng kể, nhất là hạ tầng cơ sở. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã có điện sinh hoạt, trường tiểu học và trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, 90% xã được phủ sóng truyền hình; phần lớn các xã biên giới có hệ thống thông tin liên lạc. Nhìn chung, đời sống của người nghèo được cải thiện một bước về điều kiện sống, nhận thức của người nghèo được nâng lên, người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; một số nhu cầu thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập…).

Các nội dung đầu tư của Nghị quyết 30a cơ bản phù hợp với thực tế, trực tiếp tạo sự ổn định và nâng cao đời sống cho hộ nghèo, góp phần giải quyết những khó khăn bức xúc trong đời sống và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững. Cũng từ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a, vấn đề dân chủ ở cơ sở được phát huy; khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, củng cố; đặc biệt đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng, đồng thuận cao với các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế là:

- Huyện Đakrông còn gặp rất nhiều khó khăn so với các vùng khác trong tỉnh, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực thấp, địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường vẫn là những thách thức. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đakrông vẫn còn cao (39,72%), trong đó có 6/14 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 45% và có 9/14 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn.

- Nguồn vốn đầu tư hàng năm không nhiều, trong khi đó nhu cầu đầu tư trên địa bàn huyện Đakrông còn quá lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Cơ chế thực hiện chính sách còn nhiều bất cập: Kinh phí trung ương phân bổ cho một số chương trình, chính sách còn hạn chế, một số chính sách có vốn cấp không đầy đủ; định mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu thực tế, chưa có cơ chế linh hoạt trong thủ tục đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu và hiệu quả đạt được của chính sách.

- Do có nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét; bên cạnh đó việc bao phủ của các chính sách giảm nghèo và phần lớn các chính sách mang tính chất “cho không” đã làm cho dân tộc thiểu số ngày càng thụ động và ỷ lại vào các chính sách của nhà nước.

Để việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a tại huyện Đakrông trong những năm tới, cần thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn; khơi dậy ý chí chủ động, quyết tâm vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

- Tập trung thực hiện có hiệu quả vào các nhóm chính sách, dự án như: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật và nhân rộng mô hình giảm nghèo một cách có hiệu quả.

- Đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình chính sách người có công (theo nội dung Công văn số 5308/UBND-VX ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công giai đoạn 2018-2020). Chú trọng đề ra các giải pháp đột phá, cụ thể để hỗ trợ hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Phấn đấu vào cuối năm 2019, cơ bản không còn hộ gia đình chính sách người có công thuộc diện hộ nghèo.

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững với các tổ chức đoàn thể nhân dân các cấp (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017- 2020. Chỉ đạo, phân công từng chi đoàn, chi hội theo dõi, giúp đỡ từng hộ nghèo có chủ hộ là hội viên đoàn thể của mình một cách cụ thể, thiết thực để vươn lên thoát nghèo.

- Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân và của đối tượng thụ hưởng. Tập trung, kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, nhất là nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

- Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số (như: già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ) tham gia tích cực trong quá trình thực Nghị quyết 30a tại địa phương ./.

                                                                   Nguyễn Trí Thanh

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video