Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 32

Hôm nay: 218

Tổng lượt truy cập: 812.645

Ngày 07/3/2019, Phóng viên Mai Trang của Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Quảng Trị đã có buổi phỏng vấn, trao đổi với ông Nguyễn Trí Thanh - Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị về những vấn đề, thông tin tiêu chí xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều. Sau đây, chúng tôi xin đăng tải nội dung bài phỏng vấn, trao đổi như sau:

 

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Trí Thanh, hiện nay, qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều thì tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Trị đang là bao nhiêu?

Ông Nguyễn Trí Thanh:

Theo kết quả điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 vào thời điểm đầu năm 2016 thì tỉnh Quảng Trị có 24.579 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hộ nghèo 15,43%.

Trong 3 năm qua (từ năm 2016 đến năm 2018) triển khai thực hiện công tác giảm nghèo thì toàn tỉnh đã có 7.856 hộ thoát nghèo; hiện nay (đầu năm 2019) theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Quảng Trị còn 16.723 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,68%. Trong đó: Khu vực thành thị có 1.895 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,82%; Khu vực nông thôn có 14.828 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,03%. Trong tổng số hộ nghèo của tỉnh thì có 9.634 hộ nghèo DTTS, chiếm tỷ lệ 57,61 % so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; có 3.440 hộ nghèo thuộc diện BTXH, chiếm tỷ lệ 20,57%.

Phóng viên: Việc rà soát, xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ có những tác động như thế nào đến công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Trị, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Thanh:

Việc rà soát, xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đã có những tác động cơ hội, thách thức đến công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Trị, đó là:

- Về cơ hội: Chuẩn nghèo đa chiều đã tạo nhiều cơ hội và các tiếp cận để giảm nghèo bền vững, hiệu quả:

Việc chuyển đổi phương pháp đo lường nghèo theo cách tiếp cận đa chiều sẽ tạo điều kiện để nhận dạng đối tượng nghèo cụ thể hơn, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của hộ nghèo, từ đó tạo cơ hội để các địa phương trong tỉnh thực hiện bền vững hơn các chính sách giảm nghèo.

Giảm nghèo đa chiều là cách tiếp cận mới nhằm khắc phục, hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về các khía cạnh khác. Thay vì chỉ xem xét nghèo theo thu nhập, những ai không được khám chữa bệnh, không được đến trường, không được tiếp thông tin cũng được xác định là nghèo. Cái nghèo không chỉ gắn liền với sự thiếu thốn thu nhập hay chi tiêu, mà còn là việc không được thoả mãn các nhu cầu cơ bản khác của con người.

Xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tác động toàn diện hơn đến người nghèo, nhằm giúp đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp.

- Về thách thức: Chuẩn nghèo đa chiều đã làm tăng tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh đầu năm 2016 là 15,43%, đã tăng gấp gần 2,3 lần so với chuẩn nghèo đơn chiều cuối năm 2015 của tỉnh là 6,9%), do đó tạo ra thách thức không nhỏ cho công tác giảm nghèo của tỉnh.

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, việc xác định nghèo theo chuẩn đa chiều sẽ tạo ra thách thức mới cho công tác giảm nghèo là tăng tỷ lệ hộ nghèo, nhưng đó cũng là những cơ hội để các ngành, các địa phương nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy công tác giảm nghèo một cách thực chất và bền vững.

 

Phóng viên: Ông cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thực hiện công tác giảm nghèo theo chuẩn đa chiều của tỉnh Quảng Trị là gì?

Ông Nguyễn Trí Thanh:

Để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 1,5 – 2,0%/năm (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020) nhằm cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 19/10/2016 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Quảng Trị, trong đó đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như:

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững: Các ngành, các cấp ở địa phương cần đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức và nội dung trong công tác thông tin, truyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững, nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm của mình để tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Kịp thời nêu gương, động viên và khen thưởng những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo bền vững.

- Nhóm giải pháp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo: Tập trung phát triển sản xuất, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hoạt động chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời hỗ trợ bảo quản, quảng bá, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động theo quy định.

- Nhóm giải pháp nâng cao tiếp cận các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo: Các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin như:

Hỗ trợ tiếp cận về Y tế: Thực hiện tốt việc cấp thẻ và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, đặc biệt ở tuyến y tế cấp xã, nhằm tạo điều kiện để người dân nói chung và người nghèo, cận nghèo nói riêng được tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.

Hỗ trợ tiếp cận về Giáo dục: Thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giáo dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Khuyến khích động viên, người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số tích cực đến trường học tập, nâng cao trình độ văn hóa. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng các trường bán trú tại các địa bàn khó khăn; đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Hỗ trợ tiếp cận về Nhà ở: Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo; tập trung huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm để hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở cho hộ nghèo đảm bảo  mức tối thiểu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định.

Hỗ trợ tiếp cận về Nước sạch và vệ sinh: Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán để đảm bảo nguồn nước sạch cho hộ nghèo; vận động nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về cách ăn, ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường để bảo đảm giữ gìn sức khỏe.

Hỗ trợ tiếp cận về Thông tin: Hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo các trạm truyền thanh cơ sở, phát triển mạng viễn thông ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo điều kiện để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ thông tin, sử dụng các thiết bị viễn thông, phát thanh truyền hình, giúp họ hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận với các chính sách trợ giúp của nhà nước để vươn lên thoát nghèo.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia trong công tác giảm nghèo bền vững: Tiếp tục huy động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp trong tỉnh để thực hiện giúp đỡ về phát triển sản xuất và đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài việc huy động các nguồn vốn từ bên ngoài, việc khai thác và phát huy tối đa nguồn vốn nội lực tại cộng đồng cũng là giải pháp quan trọng. Thực hiện giải pháp này bằng cách tuyên truyền vận động các hộ dân cư trong thôn, bản và trên địa bàn góp vốn xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau (người có vốn góp vốn, người nghèo góp sức lao động).

 

Phóng viên: Nếu như so sánh với việc xác định hộ nghèo theo chuẩn đơn chiều như trước đây thì việc xác định theo chuẩn đa chiều có những ưu điểm gì?

Ông Nguyễn Trí Thanh:

Phương pháp, bộ công cụ rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là thông qua việc đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập của hộ gia đình và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin) để từ đó làm cơ sở cho việc xác định, công nhận hộ nghèo.

Nếu như so sánh với việc xác định hộ nghèo theo chuẩn đơn chiều như trước đây thì việc xác định theo chuẩn đa chiều có những ưu điểm là:

Đã hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo do thiếu hụt việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác và đã khắc phục việc “cảm tính” trong xác định hộ nghèo theo chuẩn nghèo cũ đơn chiều của giai đoạn 2011-2015. Mặt khác, việc đánh giá, chấm điểm dựa theo các tiêu chí cụ thể, rõ ràng và minh bạch, do đó cán bộ việc điều tra, rà soát thực hiện dễ dàng hơn và người dân cũng có thể giám sát trực tiếp và thực hiện đánh giá hộ nghèo trong cộng đồng.

 

Phóng viên: Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này còn những điểm nào chưa hợp lý, xin ông cho biết thêm?

Ông Nguyễn Trí Thanh:

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này còn những điểm nào chưa hợp lý:

Với cách tính điểm dựa trên tình trạng tài sản và điều kiện sống của hộ gia đình để quy ra mức thu nhập, từ đó xác định hộ nghèo. Điều này đã tạo ra một bộ phận nhỏ người dân có thái độ trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của nhà nước, không cố gắng thoát nghèo bằng cách không mua sắm các tài sản trong nhà như: tivi, xe máy,...vv, nên khi chấm điểm hộ đó vẫn rơi vào diện hộ nghèo, trong khi hộ đó vẫn đủ điều kiện mà không muốn mua sắm tài sản.

Thực tế ở tỉnh Quảng Trị khi áp dụng Bộ công cụ điều tra hộ nghèo vẫn còn một số bất cập, chưa hợp lý ở thang điểm đánh giá ở một số tiêu chí (ở Phiếu B) để xác định mức thu nhập của hộ gia đình. Ví dụ cụ thể như sau: Câu hỏi 11 ở Phiếu B (Tiêu chí: Tài sản chủ yếu): theo số điểm quy định tài sản của hộ như ti vi (5 điểm), xe máy, xe có động cơ (20 điểm), thì hộ có từ 02 chiếc xe máy, 02 cái tivi cũng chấm điểm như 01 chiếc và không phân biệt giá trị cao hay thấp của tài sản đó, hoặc nguồn gốc tài sản đó có được là do được cho, tặng, hay tự mua; hoặc trong hộ có 2- 3 chiếc xe máy và máy gặt đập liên hợp có giá trị cao cũng chỉ tính 20 điểm, như thế chưa hợp lý và không công bằng.

 

Phóng viên: Với những bất cập mà ngoài phạm vi giải quyết của tỉnh thì về phía Sở Lao động-TB&XH đã hoặc sẽ có những đề xuất thay đổi như thế nào với Trung ương trong quá trình thực hiện, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Thanh:

          Để đảm bảo việc điều tra, xác định hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều một cách khách quan, chính xác và phù hợp hơn với tình hình thực tế, Sở Lao động- TB&XH tỉnh Quảng Trị đã có văn bản kiến nghị Bộ Lao động- TB&XH vẫn tiếp tục thực hiện theo phương pháp, bộ công cụ điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, nhưng cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Bộ công cụ điều tra hộ nghèo theo hướng như sau:

- Rà soát và rút gọn lại các tiêu chí đánh giá, chấm điểm để cán bộ điều tra, rà soát ở địa phương thực hiện dễ dàng hơn khi xác định hộ nghèo.

- Điều chỉnh, sửa đổi về hệ số chấm điểm của các tiêu chí trong Bộ công cụ điều tra mà còn bất hợp lý, chưa chính xác và công bằng như đã nói trên.

          Vừa qua, năm 2018 trên cơ sở kiến nghị của Sở Lao động- TB&XH tỉnh Quảng Trị và các tỉnh, thành phố khác, Bộ Lao động- TB&XH đã có văn bản sửa đổi, bổ sung một vấn đề trong phương pháp xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, tuy nhiên phương pháp xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều vẫn còn một số bấp cật chưa chính xác, công bằng như nói trên .

Theo chúng tôi được biết, hiện nay Bộ Lao động- TB&XH đang tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu các kiến nghị của các tỉnh, thành phố trong cả nước để xem xét sửa đổi, bổ sung phương pháp xác định hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều một cách phù hợp và chính xác hơn trong giai đoạn tới (2021-2025).

 

Phóng viên:  Phải khẳng định rằng, việc xác định các hộ gia đình nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí đa chiều là chủ trương sát thực tế, là cơ sở để Nhà nước có sự hỗ trợ người dân trong xóa đói, giảm nghèo bền vững. Tuy vậy, quy trình thực hiện rà soát cần tiếp tục có sự bổ sung, sửa đổi một số nội dung chặt chẽ hơn để việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được chính xác, hoàn thiện hơn.

Một lần nữa xin cảm ơn ông Nguyễn Trí Thanh đã dành thời gian tham dự buổi trao đổi với chúng tôi./.

                                                                                           Nguyễn Trí Thanh

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video