Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 4
Hôm nay: 401
Tổng lượt truy cập: 800.349
MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU TRUNG HỌC CƠ SỞ
- Ngày đăng: 24-04-2024
- 114 lượt xem
Hình ảnh Hội nghị Truyền thông Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh năm 2024 do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hải Lăng tổ chức
Phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở (THCS) là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động (TTLĐ). Đây là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội giúp cho các em tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân để lựa chọn định hướng cho tương lai. Từ đó, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu trình độ phù hợp đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Hiện nay, học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ có các hướng đi cụ thể như sau:
(1) Tiếp tục học lên Trung học phổ thông (THPT), sau 03 năm lấy bằng tốt nghiệp THPT và lựa chọn học Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học (đa số các em khi đi theo “luồng” này đều lựa chọn thi vào Đại học).
(2) Học Chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Đối với Chương trình này các em học 7 môn văn hóa (trong đó: Toán, Ngữ văn, Lịch sử là 03 môn bắt buộc và 04 môn lựa chọn trong số các môn học: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học,Sinh học, Tin học, Công nghệ) thời gian còn lại các em có thể lựa chọn học song song chương trình đào tạo nghề trình độ Trung cấp, Cao đẳng. Sau 02 năm các em có thể lấy bằng tốt nghiệp Trung cấp và có thể tham gia ngay thị trường lao động hoặc tiếp tục học tập thêm 01 năm để lấy bằng Cao đẳng. Đồng thời, thi tốt nghiệp để lấy bằng tốt nghiệp THPT.
(3) Không có nhu cầu lấy bằng tốt nghiệp THPT mà học ngay chương trình đào tạo nghề trình độ Trung cấp, Cao đẳng (Mô hình/Chương trình“ 9+”). Mô hình này được hiểu là sau khi tốt nghiệp lớp 9 nếu học ngay trình độ Trung cấp, Cao đẳng tại các cơ sở GDNN thì gọi là học chương trình đào tạo nghề 9+2, 9+3,...)
(4) Một số ít nghỉ học để phụ giúp gia đình; học nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia thị trường lao động tự do...
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thực tế toàn quốc nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng công tác phân luồng chưa thực sự hiệu quả; tỷ lệ học sinh tham gia học nghề vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đặt ra (theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 05 năm (2019-2023) tỷ lệ học sinh THCS của tỉnh Quảng Trị vào học tại các sở GDNN dao động trong khoảng từ 5 - 8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Chính phủ đặt ra[1].
Phần lớn các em sau khi tốt nghiệp THCS sẽ tiếp tục học lên THPT, số học sinh lựa chọn các hướng còn lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đặc biệt, là học sinh vào học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại Trung tâm GDNN- GDTX các huyện, thị xã, thành phố (một số Trung tâm GDNN-GDTX nhiều năm liền không tuyển sinh được học sinh học THPT như Trung tâm GDNN-GDTX các huyện Triệu Phong, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị).
Trong khi hệ lụy của nó tất cả chúng ta đều nhìn thấy, đó là tình trạng thừa “thầy” thiếu thợ (được hiểu là thừa lao động trí óc, lao động đòi hỏi thiên về lý thuyết nhiều hơn nhưng lại thiếu lao động thực hành, lao động đòi hỏi kỹ năng, tay nghề). Nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp Đại học không tìm được việc làm hoặc làm những công việc không tương xứng với trình độ đào tạo và thậm chí trái với ngành nghề được đào tạo, lương thấp gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức của chính bản thân các em, của gia đình và xã hội.
Nguyên nhân chủ yếu tập trung ở các nhóm vấn đề sau:
1. Tâm lý của phụ huynh học sinh đóng vai trò rất lớn và gần như quyết định đến lựa chọn hướng đi cho tương lai của các em. Trong khi, văn hóa “khoa bảng”, “bằng cấp” đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân; mọi phụ huynh học sinh đều mong muốn con, em mình vào học để có tấm bằng đại học, thậm chí muốn có bằng cấp cao hơn nữa; hay tâm lý cho rằng: “Con vẫn còn dại, mới học hết lớp 9 biết gì, cho nó học văn hóa thêm mấy năm nữa, có bằng tốt nghiệp cấp 3 rồi học tiếp hay đi làm, lúc đó rồi tính”...
2. Chính sách tuyển sinh đại học đã có tác động cực lớn tới việc PLHS sau THCS vào hệ thống GDNN vì những lý do như đã dẫn ra ở trên. Thực tiễn những năm qua, từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện đồng thời chính sách thi tuyển Đại học với điểm sàn chung thấp và xét tuyển sinh Đại học thông qua xét điểm học bạ THPT thì cơ hội để học sinh tốt nghiệp THPT vào học Đại học được mở rộng thái quá. Đồng thời, việc xét duyệt giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường Đại học chưa theo nhu cầu thực về nhân lực của xã hội, thiếu các chính sách, cơ chế giám sát để đảm bảo việc đăng ký và giao chỉ tiêu tuyển sinh đi vào thực chất, giảm chỉ tiêu tuyển sinh Đại học để nâng cao chất lượng đào tạo.
3. Công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh ở cấp cơ sở chưa thực sự hiệu quả: Công tác tuyên truyền còn chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm; nội dung tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng (thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động (TTLĐ) và việc làm; về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về các chính sách đối với người học, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng và nhu cầu nhân lực của TTLĐ); đội ngũ làm công tác giáo dục, hướng nghiệp chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Mặt khác, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít. Trong khi đó, công tác xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề dẫn đến ngành, nghề đào tạo chưa đa dạng, phong phú, nhất là các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao nên chưa thu hút được các em tham gia học nghề tại các cơ sở đào tạo.
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới (nguồn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)
Để góp phần nâng tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, thiết nghĩ cần tập trung triển khai một cách đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp
Thứ nhất, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 1967/KH-UBND ngày 08/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Trong đó, chú trọng việc đưa chỉ tiêu phân luồng vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời có sự phân công trách nhiệm cụ thể làm cơ sở tổ chức kiểm điểm, đánh giá rút kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện đối với các cấp, ngành và địa phương.
Thứ hai, tăng cường, đổi mới và đa dạng các hoạt động truyền thông, hướng nghiệp, tư vấn giáo dục nghề nghiệp, việc làm cho học sinh cuối cấp ở các trường THCS, THPT. Công tác tuyên truyền cần thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm trong điểm; trong đó, cần tập trung vào hai nhóm đối tượng chính: học sinh và phụ huynh học sinh (xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự với các chủ đề: tìm hiểu về “Thế giới nghề nghiệp”, “Tôi chọn nghề”; tổ chức cuộc thi với sản phẩm là bài viết, clip ngắn về những cá nhân đã thành công trong lựa chọn ngành nghề cho bản thân...); tổ chức chương trình, ngày hội tư vấn nghề nghiệp, các buổi nói chuyện định kỳ với chủ đề nghề nghiệp tại các trường học; tổ chức các hoạt động tham quan hướng nghiệp tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh...
Thứ ba, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác tư vấn, hướng nghiệp học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học nghề; tăng cường sự phối hợp giữa các trường học với các cơ sở Giáo dục nghề nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp; xây dựng giáo trình, tài liệu tuyên truyền.
Thứ tư, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình cụ thể nhằm giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm, giai đoạn 05 năm trên cơ sở bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đồng thời, tham mưu ban hành chính sách (Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh) hỗ trợ một phần kinh phí đối học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề nhằm khuyến khích, động viên nhóm đối tượng này (đã có địa phương ban hành chính sách riêng để hỗ trợ học phí học văn hóa cho đối tượng học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề).
Việc ấn định và giảm tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh sẽ giúp thực hiện tốt một số nội dung sau:
(1) Giúp đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; các trường THPT tư thực trên địa bàn có cơ hội hơn trong đầu tư cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, qua đó giúp phụ huynh học sinh có sự phân tích, đối chiếu, so sánh kỹ lưỡng dựa trên sức học của con em mình để định hướng, lựa chọn cho con em học các trường tư thục hay tham gia học nghề hoặc vừa học văn hóa vừa học nghề.
(2) Cải thiện tình hình tuyển sinh của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, giúp các Trung tâm này phát huy hết chức năng, nhiệm vụ trong việc dạy văn hóa và dạy nghề tại địa phương.
Định kỳ hằng năm, các địa phương cần chủ trì phối hợp các Sở ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác liên thông, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua việc hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo trên địa bàn tỉnh nhằm đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo giúp người học có nhiều sự lựa chọn hơn. Bên cạnh đó, sẽ bù đắp được các ngành nghề hiện tỉnh còn thiếu (do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được) nhất là các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề chất lượng cao; tạo cơ chế bình đẳng không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, trường trong tỉnh hay ngoài tỉnh mà chú trọng chất lượng đào tạo và có cam kết hỗ trợ giải việc làm sau đào tạo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những cơ sở đào tạo không thực hiện theo đúng quy định.
Lê Hồng Phúc
[1] Theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng PLHS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” thì đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ Sơ cấp, Trung cấp và đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.
- Hội thi tìm hiểu chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc và miền núi (01/12/2023)
- Đoàn liên cơ quan đi khảo sát thực tế thu thập thông tin, tư liệu, nội dung tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và giải quyết việc làm tại các tỉnh phía Nam (29/11/2023)
- Một số giải pháp trong công tác đào tạo lao động góp phần tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (29/11/2023)
- Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh và đào tạo nghề (25/06/2024)
- Đoàn liên cơ quan đi khảo sát thực tế thu thập thông tin, tư liệu, nội dung tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và giải quyết việc làm tại các tỉnh phía Bắc (13/10/2023)
- Tổ chức hoạt động tham quan, hướng nghiệp cho học sinh và người lao động của hai huyện Đakrông và Hướng Hóa tại tỉnh Thừa Thiên Huế (29/08/2023)
- Bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và dạy học cho nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Quảng Trị năm 2023 (25/06/2024)
- Quảng Trị: Phát động cuộc thi viết về Giáo dục nghề nghiệp (23/11/2022)
- Quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (21/11/2022)
- Quảng Trị: Tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo từ làm lần thứ III (09/07/2022)