Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 957

Tổng lượt truy cập: 679.594

Ngày 11/04/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của 63 tỉnh, thành phố.

           Kết quả công bố xếp hạng Chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh Quảng Trị chỉ đạt 61,26 điểm (giảm 2,07 điểm so với năm 2021). Trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì có 4 chỉ số tăng điểm (Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Đào tạo lao động) và 06 chỉ số giảm điểm (Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Tính minh bạch, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự). Xếp theo thứ hạng, tỉnh Quảng Trị xếp hạng thứ 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp, được giao chủ trì theo dõi Chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh. Trong những năm qua, trên cơ sở bám sát các tiêu chí đánh giá theo các chỉ số thành phần “đào tạo lao động”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động cụ thể như:

- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung ứng lao động cho doanh nghiệp; phát triển mạng lưới thị trường lao động từ tỉnh đến huyện; duy trì hiệu quả sàn giao dịch việc làm định kỳ hàng tháng; thường xuyên tổ chức các hội nghị liên kết đào tạo và giải quyết việc làm như: Hội thảo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và định hướng Giáo dục nghề nghiệp trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Hội nghị “gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm”; tổ chức đối thoại với đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động, đối thoại doanh nghiệp...; tham mưu hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các trường có ngành nghề trọng điểm thông qua Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo các ngành nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong công tác đào tạo và giải quyết việc làm

Giai đoạn 2016 - 2022, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực trong việc cung cấp lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên hàng năm; đã thu hút được nhiều cơ sở ngoài công lập tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bước đầu có sự gắn kết giữa các địa phương với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề; Chất lượng đào tạo nghề được cải thiện, quy trình đào tạo ngày càng chặt chẽ, khoa học hơn. Hiệu quả công tác đào tạo nghề ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Kết quả năm 2022, đã tuyển sinh và đào tạo được 9.654 lao động (đạt 107% kế hoạch). Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,28% .

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế tồn tại:

- Công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh ở các cấp học trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt kết quả chưa cao; Tâm lý chạy theo bằng cấp vẫn còn nặng nề; văn hóa “khoa bảng”, “bằng cấp” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân; phụ huynh học sinh đều mong muốn con, em mình vào học đại học, thậm chí muốn có bằng cấp thạc sĩ. Trong khi chính sách thi tuyển sinh đại học với điểm sàn chung thấp, việc xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thông qua xét điểm học bạ Trung học phổ thông thì cơ hội để học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông vào học đại học ngày càng rộng mở dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn chậm được khắc phục.

- Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn mỏng, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục chưa nhiều (toàn tỉnh có 20 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, chỉ có 06 cơ sở thực hiện chuyên về đào tạo nghề;14 cơ sở hoạt động trong nhiều lĩnh vực và có  tham gia hoạt động đào tạo nghề); Công tác xã hội hóa về đào tạo nghề còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề; các ngành nghề đào tạo chưa thật sự đa dạng nên chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

- Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp tuy được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ giáo viên chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ chưa cao; chương trình, giáo trình đào tạo của các cơ GDNN thiếu cập nhật thường xuyên, liên tục dẫn đến người lao động sau khi tốt nghiệp chưa thích ứng ngay dây chuyền, công nghệ sản xuất…của doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, để tiếp tục giữ vững và tăng cao chỉ số “Đào tạo lao động’’, góp phần tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); trong thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung triển khai thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp như sau:

Thứ nhất, Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, xã hội về vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội, phát triển con người; Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông trong việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp; cần nhận thức đúng về con đường vào đại học không phải là con đường duy nhất của mỗi con người; văn hóa “khoa bảng”, văn hóa “bằng cấp” phải từng bước được loại bỏ dần trong tiềm thức của mọi người dân; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 1967/KH-UBND ngày 08/5/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn Tỉnh.

Thứ hai, Tăng cường công tác dự báo nhu cầu các ngành nghề đang và sẽ là xu hướng để kịp thời bổ sung vào danh mục, nhất là các ngành nghề đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề mới phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà; đặc biệt là các ngành nghề phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và theo nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, trong đó trọng điểm là các Khu công nghiệp, Khu kinh tế.

Khuyến khích liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm đa dạng hóa ngành nghề, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc tăng cường kết nối lao động cho doanh nghiệp thông qua cải tiến hoạt động giao dịch việc làm; chủ động mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, chất lượng và năng lực hoạt động trong các lĩnh vực để thu thập và cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho người lao động có nhu cầu. Tổ chức quản trị, khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu Cung - Cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đẩy mạnh hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm để triển khai công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; Chủ động hơn nữa trong tiếp cận với các doanh nghiệp đang, sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh, nắm bắt thông tin tuyển dụng lao động, từ đó phối hợp với với các doanh nghiệp đào tạo, cung ứng lao động sát, đúng với nhu cầu doanh nghiệp.

Thứ ba, Tập trung huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, dự án khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp như: Quyết định số 04/2023/QĐ-UBND ngày 10/2/2023 quy định danh mục lĩnh vực và địa bàn khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2023 - 2025; Nghị Quyết số 56/2023/NQ-HĐND ngày 19/7/2023 ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 28/9/2023 về việc giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2024.

Thứ tư, Đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Tiếp cận nhanh chóng và nâng cao năng lực chuyển đổi số của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý giáo dục nghề nghiệp từ cơ sở đào tạo đến cơ quan quản lý cấp huyện, tỉnh theo cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; Tích cực ứng dụng các nền tảng số để triển khai dùng chung và hỗ trợ dạy học trực tuyến các trình độ trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ năm, Phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; Phát triển và nâng cao chất lượng, định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo quy định; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nghệ nhân, người có kỹ năng nghề giỏi được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đủ năng lực tham gia đào tạo các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp.

Định kỳ, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ quản lý các tổ chức tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Thứ sáu, Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động tại các doanh nghiệp, nhất là nhóm lao động chưa có bằng cấp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 3882/KH-UBND ngày 24/8/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh trong tình hình mới; Gắn kết chặt chẽ giữa 3 “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, Nhà nước định hướng, tạo điều hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách; nhà trường và doanh nghiệp chủ động, tích cực trong liên kết đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; hỗ trợ thực tập tại doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nhà giáo là chuyên gia, thợ bậc cao… trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng thực hành nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ bảy, Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp cần chủ động, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông; tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp, liên thông lên trình độ cao đẳng; hỗ trợ, tạo điều kiện để học sinh vừa học GDNN và vừa học văn hóa THPT đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng đào tạo theo quy định, đảm bảo các điều kiện về chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp với đặc điểm của học sinh; Tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tỉnh trong công tác tuyển sinh và đào tạo đối với những ngành nghề đơn vị chưa đủ điều kiện tổ chức đào tạo, để có thể cung ứng lao động có chất lượng, đa dạng ngành nghề trong nhiều lĩnh vực cho doanh nghiệp.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ, thước đo quan trọng để đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường đầu tư, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của tỉnh. Để cải thiện chỉ số PCI nhằm thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh thì cần triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian qua, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ ngày 05/6/2023 của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về quyết tâm thực hiện các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 của tỉnh Quảng Trị; Quyết định số 2419/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Phụ lục phân công nhiệm vụ thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Quảng Trị, giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2142/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh). Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự tham gia tích cực, năng động của các Sở, ban ngành, tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được các chỉ số (PCI, PAR INDEX và PAPI) theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021-2025./.

                                                                                                                                    Lê Hồng Phúc

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video