Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 90

Tổng lượt truy cập: 677.060

Trong 2 ngày 29-30/10/2022, tại Hội trường Khách sạnGolden-TP Đông Hà, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh tổ chức Hội nghị tuyên truyền tư vấn tại cộng đồng cho 100 phụ huynh có con là trẻ tự kỷ và 40 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nên công tác trẻ em được triển khai một cách khá đồng bộ. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 182.093 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 28.4% dân số). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đông, trên 20.000 trẻ (chiếm 11% số trẻ em toàn tỉnh); Có 2.852 trẻ em khuyết tật (trong đó, số trẻ em tự kỷ khoảng 800 em), Năm 2022, toàn tỉnh có 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, bảo vệ, các quyền cơ bản và nhu cầu chính đáng của trẻ em về chăm sóc sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí được đảm bảo. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng được đáp ứng tốt hơn, môi trường và cuộc sống của trẻ em ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn còn không ít thách thức, bởi số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật khá cao, đặc biệt tình trạng trẻ em mắc hội chứng tự kỷ đang ngày một gia tăng. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ khuyết tật nói chung, trẻ em tự kỷ nói riêng đang là vấn đề cần được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Tự kỷ được xem là “căn bệnh” của thời đại, số lượng trẻ em tự kỷ đang gia tăng một cách đáng báo động ở mọi quốc gia trên thế giới, ở mọi chủng tộc, màu da, mọi dân tộc, các nền văn hóa khác nhau. Tại Việt Nam hiện chưa có một số liệu thống kê chính thức hay điều tra khảo sát dịch tễ nào về tự kỷ nhưng số trẻ em tự kỷ được phát hiện có su hướng ngày một gia tăng so với các bệnh và dạng khuyết tật khác thường gặp ở trẻ em.

Tại Quảng Trị, các cơ sở giáo dục dành riêng cho trẻ tự kỷ trên địa bàn vẫn còn rất ít, chưa có tài liệu chuẩn mực của quốc gia về trẻ tự kỷ, đội ngủ giáo viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chưa nhiều nên việc hiểu biết và hỗ trợ, chăm sóc trẻ em tự kỷ để hòa nhập cộng đồng đang còn gặp nhiều khó khăn. Phụ huynh có con là trẻ tự kỷ lúng túng trong việc tìm ra những phương pháp giáo dục hợp lý cho con mình.

Từ thực trạng trên, thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 25/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, nhằm chia sẻ những khó khăn, vất vả của những phụ huynh không may có con mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ , đồng thời trang bị kiến thức cho đội ngủ giáo viên làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em tự kỷ trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh tổ chức Hội nghị tuyên truyền tư vấn tại cộng đồng cho 100 phụ huynh có con là trẻ tự kỷ và 40 giáo viên trên đang trực tiếp giảng dạy can thiệp cho trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh với mong muốn đồng hành cùng cha mẹ trẻ để cùng chung sức, đồng lòng giúp cho trẻ em tự kỷ ngày một tiến bộ hơn, để trẻ có tương lai tươi sáng hơn.

           Chương trình hội nghị đã trang bị cho phụ huynh những nội dung liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ như: Giao tiếp và hành vi, phát triển giác quan, các hoạt động hằng ngày, vấn đề ăn uống; mang đến cho phụ huynh những thông tin cơ bản về sự phát triển ngôn ngữ trẻ bình thường để phụ huynh xác định được khả năng ngôn ngữ của con mình đến đâu, con có khiếm khuyết, hạn chế gì. Từ đó phụ huynh có những biện pháp để giúp con cải thiện ngôn ngữ tốt hơn trong các tình huống sinh hoạt hàng ngày ở tại gia đình cũng như chọn cách can thiệp cho con phù hợp.

Bằng các hoạt động mẫu, những trò chơi tương tác, giảng viên đã hướng dẫn cho phụ huynh những bài tập phát triển ngôn ngữ cho trẻ trong các tình huống sinh hoạt cùng con và sự chia sẻ của giáo viên, phụ huynh về từng nội dung tập huấn. Từ những nội dung được trang bị, phụ huynh chia theo nhóm để thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của mình về các mốc ngôn ngữ qua từng thời kỳ, ngôn ngữ của trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ  hay đơn giản chỉ là những chia sẻ của phụ huynh về cách giúp con phát triển ngôn ngữ ở nhà, những thành quả đạt được mà phụ huynh thấy tự hào nhất, những khó khăn nhất trong hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho con... Thông qua những chia sẻ ấy, phụ huynh còn có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để đồng hành cùng con.

Description: C:\Users\MyPC\Desktop\z3845018641384_150104a95b9e48d09d51de2861f1846d.jpg

Thầy Nguyễn Trọng Dần - Giảng viên Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia hướng dẫn mẫu các thao tác chơi cùng con tại nhà

Bên cạnh đó, giảng viên cũng hướng dẫn cho phụ huynh cách phát triển ngôn ngữ cho con tại gia đình bằng các cách thức hiệu quả khác nhau như: Hát các bài hát của trẻ con và cho trẻ nghe nhạc. Bởi âm nhạc giúp cải thiện sức khỏe, kiểm soát sự căng thẳng, giảm bớt sự đau đớn, diễn tả cảm xúc, tăng cường trí nhớ, tăng cường giao tiếp, thúc đẩy phục hồi thể chất. Các cách kết hợp âm nhạc trong các hoạt động ở nhà như viết lại lời cho các bài hát quen thuộc với câu ngắn và các từ mới dễ nhớ, lặp lại để tăng cường sự ghi nhớ và hiểu từ; khám phá cảm xúc và ý tưởng; sử dụng nhịp và phách để tăng cường sự vận động, khả năng ghi nhớ; bài hát khởi động cho các hoạt động và lịch trình hàng ngày; Chơi các trò chơi đơn giản cùng con, đọc các quyển sách có các tranh vẽ có nhiều màu sắc cho trẻ nghe kết hợp với nhìn, chỉ và nói tên các bức tranh khi đọc cho trẻ nghe rồi yêu cầu con chỉ các đồ vật trong bức tranh; Nói với con về những gì bé sẽ làm trong ngày như thức ăn, đồ uống trong bữa ăn và các hoạt động bé làm, các bộ phận cơ thể bé khi tắm, tên đồ dùng khi sử dụng... Đồng thời các bậc phụ huynh cũng cần nói với con về những gì mình làm trong ngày và khuyến khích con tham gia. Cho trẻ cơ hội có được những trải nghiệm mới và nói với trẻ về trước, trong và sau sự kiện đó. Ngoài ra, phụ huynh còn được trang bị các kiến thức liên quan đến sử dụng ngôn ngữ phù hợp với mức độ phát triển của trẻ, kĩ năng lựa chọn mục tiêu phù hợp với mức độ của trẻ, kỷ năng tăng mức độ chơi, mức độ tham gia của trẻ để phát triển khả năng tương tác và ngôn ngữ,  kĩ năng làm việc cùng trẻ trong các hoạt động sinh hoạt và vui chơi hằng ngày nhằm tăng cường kĩ năng tương tác, luân phiên, ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt, kĩ năng và thực hành tổ chức một số trò chơi, ….

Description: C:\Users\MyPC\Desktop\z3845029213599_079a91c3ab2efa72c1770fa3e0dc5ee1.jpg

Phụ huynh và giáo viên tham gia thảo luận nhóm

Môi trường kích thích ngôn ngữ rất quan trọng trong việc học tập, nhưng việc tạo ra cho trẻ một môi trường có quá nhiều ngôn ngữ có thể sẽ tạo nên một sự chồng lẫn. Tại buổi tập huấn, thầy Nguyễn Trọng Dần, giảng viên Trung tâm giáo dục đặc biệt Quốc gia đã căn dặn phụ huynh: “Để trẻ tự kỷ học một từ trẻ cần được: nhìn, hiểu, cảm nhận, trải nghiệm, có cơ hội. Và để trẻ tự kỷ học ngôn ngữ trẻ cần học: học ngữ dụng (giao tiếp), ngữ nghĩa (ngôn ngữ hiểu), Ngữ pháp (ngôn ngữ diễn đạt), Ngữ âm (lời nói). Đặc biệt, phụ huynh nên sử dụng ngôn ngữ thật dễ hiểu, sử dụng nhiều từ đơn, chú ý ngữ điệu, âm điệu, sắc thái gương mặt khi giao tiếp với trẻ theo nguyên tắc bậc trên tức là khả năng ngôn ngữ của con cộng thêm một bậc” (dựa theo thang phát triển ngôn ngữ của trẻ bình thường đã được thông tin hội nghị).

Tự kỷ dù nhẹ hay nặng cũng là tổng hợp của các hội chứng, tình trạng suy giảm nhận thức, tương tác xã hội, ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp. Công việc chữa trị để trẻ hòa nhập với cộng đồng cần một quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ của gia đình, nhà trường. Trẻ tự kỷ rất cần tình yêu thương và sự quan tâm, đừng mặc cảm, đừng chủ quan, đừng bỏ rơi trẻ tự kỷ lại phía sau và cũng đừng để cho ai kỳ thị trẻ tự kỷ. Quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ cần sự chung tay, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc tăng cường nguồn lực trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ hòa nhập cộng đồng, phát hiện và hỗ trợ can thiệp kịp thời cho trẻ tự kỷ. Trang bị kiến thức, kỷ năng cho phụ huynh có con là trẻ tự kỷ là một trong những cách tiếp cận mới trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em khuyết tật nói chung, trẻ tự kỷ nói riêng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội, thực hiện các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh và đặc biệt hơn chính là bằng tình thương yêu chân thành và trách nhiệm, lương tâm của toàn xã hội./.

                                                                                                                                                                                                     Đào Nhung

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video