Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 25

Hôm nay: 417

Tổng lượt truy cập: 812.140

Trong 2 ngày 07-08/7/2022, tại Hội trường Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, các đơn vị, địa phương tổ chức Hội thảo “Tiếng nói trẻ em với các vấn đề liên quan thực thi quyền trẻ em, lên tiếng với bạo lực, xâm hại trẻ em” năm 2022

         Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển của chính mình. Luật Trẻ em năm 2016, Điều 34 đã nêu rõ “Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng.”

Nhằm thể chế hoá các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1990, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ngành, các đoàn thể xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng cùng với sự chăm lo cho trẻ em trong mỗi gia đình. Việc tập trung đầu tư, hỗ trợ để trẻ em được phát triển toàn diện, được thực thi quyền của mình luôn được quan tâm, ưu tiên hàng đầu trong chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh nhà. Với mong muốn tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của bản thân, đặc biệt là thể hiện được quan điểm, mong muốn của mình về những vấn đề bức xúc hiện nay như: quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em, … Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, các đơn vị, địa phương tổ chức Hội thảo “Tiếng nói trẻ em với các vấn đề liên quan thực thi quyền trẻ em, lên tiếng với bạo lực, xâm hại trẻ em”.

 

Đồng chí Bùi Văn Thảng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phát biểu tại hội thảo

        Trong 02 ngày hội thảo, ban tổ chức đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực nhằm thu thập các thông tin cần thiết từ trẻ thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức tham vấn nhóm để trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề liên quan đến trẻ em; Tổ chức thảo luận các vấn đề bằng hình thức thuyết trình lồng ghép với kỹ năng xây dựng cây vấn đề; Xây dựng giải pháp, khuyến nghị theo hình thức sân khấu hóa, …

Đối với nội dung thực hiền Quyền trẻ em, Ban tổ chức đã đưa ra 04 nhóm vấn đề liên quan đến thực thi quyền trẻ em tại Quảng Trị (bao gồm: quyền sống, quyền bảo vệ, quyền tham gia và quyền phát triển) để các em thảo luận, nêu quan điểm và đưa ra nhận định về từng vấn đề bằng hình thức thuyết trình. Các nhóm tham gia ý kiến góp ý và bổ sung cho nhau để rút ra thông điệp chính. Kết thúc nội dung quyền trẻ em, vấn đề nổi cộm được các em quan tâm bao gồm: bạo lực gia đình, sân chơi trẻ em, các dịch vụ y tế giáo dục, vấn đề khai sinh cho trẻ em, mô hình về quyền tham gia trẻ em hoạt động còn mang tính hình thức, ...

Các nhóm thảo luận, lên ý tưởng thuyết trình vấn đề

        Liên quan đến nội dung xâm hại, bạo lực trẻ em, các nhóm đã xây dựng kịch bản và trình diễn theo hình thức sân khấu hóa để chia sẻ điều các em thấy liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em xung quanh cuộc sống hàng ngày của chính các em. Trong đó, vấn đề được các em quan tâm nhiều nhất là việc gia đình so sánh con mình với con người ta; lý do vì sao trẻ em không lên tiếng khi bị bạo lực, xâm hại; rượu, bia là nguyên nhân của bạo lực gia đình, ...

Từ các hoạt động thảo luận nhóm, thuyết trình, diễn xuất lồng ghép với kỹ năng xây dựng cây vấn đề, 27 em học sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 181 ngàn trẻ em trên toàn tỉnh đã đưa ra các thông điệp với những nội dung cụ thể như: Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; Phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em; Trẻ em với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và Trẻ em nghỉ học lao động sớm.

Thông điệp truyền thông của trẻ em tại Hội thảo

Thông qua Hội thảo lần này, các em cũng chia sẻ về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về những vấn đề liên quan đến trẻ em, đưa ra các giải pháp, thông điệp và mong muốn đối với các cấp chính quyền, địa phương, trong đó một số mong muốn rất chính đáng đó là: có nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp các tình huống xâm hại, bạo lực nhất là đối với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa; được trang bị kỹ năng toàn diện để có thể tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bị dụ dỗ, lôi kéo làm điều xấu trên môi trường mạng. Được đầu tư xây dựng nhiều bể bơi tại các địa phương để các em học bơi vào mùa hè; các em mong muốn có những không gian, môi trường an toàn để được quyền tự do phát biểu về những vấn đề liên quan đến trẻ em; muốn được người lớn lắng nghe bằng sự quan tâm và trân trọng; được tiếp cận thế giới công nghệ số đúng đắn, biết sử dụng mạng đúng cách. Ngoài ra, các em cần một môi trường sống an toàn, lành mạnh từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội; có điểm vui chơi lành mạnh; không còn những trẻ em bị bạo hành, bị làm dụng tình dục, bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông. Các em mong muốn được học tập, rèn luyện để phát triển toàn diện chứ không bị bắt buộc phải bỏ học để lao động sớm, …

         Phát biểu tại Hội thảo, Ông Bùi Văn Thảng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Hội thảo Tiếng nói trẻ em với các vấn đề liên quan thực thi quyền trẻ em, lên tiếng với bạo lực, xâm hại trẻ em năm 2022 là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em trong dịp hè, đây cũng là một hoạt động vô cùng ý nghĩa và thiết thực để thực hiện hóa các quyền của trẻ em được pháp luật quy định. Đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo đối với thế hệ tương lai của tỉnh nhà. Thông qua hoạt động của hội thảo, các ý kiến, khuyến nghị của các em, BTC sẽ tổng hợp sau đó sẽ gửi về các cơ quan chức năng nghiên cứu hoàn thiện, triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em một cách toàn diện trong thời gian tới.”

Bên cạnh hoạt động chính là đối thoại, ban tổ chức đã triển lãm, trình chiếu góc truyền thông của trẻ em các tỉnh, thành phố trong cả nước về vấn đề liên quan đến nội dung hội thảo và tiến hành trao 4 phần quà cho 04 nhóm có góc truyền thông ấn tượng, xuất sắc nhất./.

                                                                                       Đào Nhung

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video