Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 237

Tổng lượt truy cập: 676.876

 Mặc dù rất tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy cần có các giải pháp quyết liệt mang tính đồng bộ nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trong thời gian tới.

 Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm nước ta trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích khoảng 6.600 trường hợp chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. 

         Đối với tỉnh Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh có 182.093 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 28.4% dân số). Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đông, gần 3000 trẻ. Số trẻ em bị tai nạn thương tích 157 em (tử vong 43 em, tử vong do đuối nước là 32 em). Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chỉ đao trực tiếp của UBND tỉnh, Ban bảo vệ trẻ em cấp tỉnh đã thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 2020 và tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2025, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói riêng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng được nâng lên đáng kể. Tính đến tháng 6/2021, ước toàn tỉnh có 97% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được chăm sóc, bảo vệ; 100% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được đào tạo kỹ năng cơ bản. Các quyền cơ bản và nhu cầu chính đáng của trẻ em về chăm sóc sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng được đáp ứng tốt hơn, môi trường và cuộc sống của trẻ em ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức, bởi nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn thương tích luôn rình rập do các em học sinh đang ở lứa tuổi hiếu động, tò mò, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành.

           Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tích ở trẻ thời gian qua hầu hết là do cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn lơ là, tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng và sự quan tâm giám sát để trẻ tự do tiếp xúc với các vật nhọn, đồ điện, phích nước, động vật, …. hoặc để trẻ tự do tìm đến sông, suối, ao hồ đùa nghịch, tắm mà không có sự giám sát của người lớn dễ dẫn đến bị thương tích, bị điện giật, bỏng, đuối nước,  …; Hơn nữa, Quảng Trị là tỉnh có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt, nhiều nơi nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn; một số đơn vị thi công các công trình còn bất cẩn, thiếu trách nhiệm khi không làm hàng rào, biển cảnh báo gần khu vực hố sâu nguy hiểm nên đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, tâm sinh lý, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho trẻ sau này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em

 

Xác định vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vì vậy nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian tới, cần tập trung triển khai tích cực các giải pháp cụ thể như sau:

      Một là: Tăng cường tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở nhà trường, các hộ gia đình, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ quan tâm, giám sát con em mình, giáo dục trẻ về những nguy cơ thường gặp ở lứa tuổi của trẻ như: Đuối nước, ngã, bỏng, ngộ độc, chấn thương do vật sắc nhọn, điện giật, động vật cắn, …  Đồng thời, hướng dẫn trẻ cách chăm sóc động vật và tự vệ đối với động vật để tránh bị động vật cắn, tấn công; Tiêm phòng cho động vật, phải kiểm soát trẻ khi đến gần đồng vật,.... Đối với các loại hoá chất, chất tẩy rửa, thuốc cần được để ở nơi có khóa, hạn chế trẻ tiếp cận; Dao kéo, phích nước để cao, cách ly khu vực nấu nướng tránh chấn thương do vật sắc nhọn và bỏng gây ra.

       Hai là: Phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; Vận động các hộ gia đình gần đường giao thông làm cổng chắn để phòng ngừa tai nạn giao thông; Tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn giao thông đường bộ cho trẻ em; Nghiên cứu, rà soát và hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn khi tham gia giao thông đường bộ cho trẻ em.

        Ba là: Tổ chức các lớp phổ cập bơi an toàn cho trẻ em; Thực hiện các hướng dẫn về kỹ năng bơi an toàn, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tiểu học, trung học cơ sở và hướng dẫn kỷ năng cứu đuối cho trẻ em. Tích cực vận động các nguồn kinh phí tài trợ cho các  hoạt động phòng, chống đuối nước tại địa phương như trang bị hồ bơi di động, phổ cập bơi miễn phí, …. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn giao thông đường thủy và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.

         Bốn là: Rà soát, sữa chữa, cắm biển báo tại những điểm thường  xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em; làm rào chắn tại ao hồ, lấp hố nước, đậy nắp giếng, … tuyên truyền cho trẻ em sử dụng áo phao, phao bơi khi tắm biển, ao hồ, sông, suối, khi tham gia giao thông đường thủy và các hoạt động vui chơi trong môi trường nước. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân.

       Năm là: Tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như: cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em; Tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2020; Vận động nguồn kinh phí xây dựng các sân chơi, điểm sinh hoạt hè an toàn cho trẻ thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

      Sáu là: Các tổ chức, đoàn thể địa phương cần triển khai các hoạt động bổ ích, lành mạnh như hướng dẫn các em kỷ năng bảo vệ bản thân trong môi trường nguy hiểm, cải tạo hệ thống điện trong các gia đình, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông đường bộ, sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị an toàn khi tham gia giao thông đường bộ cho trẻ em.

      “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, đó là thông điệp chung mà nhân loại tiến bộ đã kỳ vọng, trông đợi và tin tưởng vào thế hệ tương lai. Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em là trách nhiệm không chỉ của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội. Chính vì vậy, để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tại nạn thương tích, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ. Từ những giải pháp nêu trên cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng và các đơn vị, địa phương tin tưởng rằng, trong thời gian tới, tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích nói chung và tử vong do tai nạn đuối nước nói riêng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực để trẻ em trên địa bàn tỉnh được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh./.

                                                                                                   Đào Nhung

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video