Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 319

Tổng lượt truy cập: 790.272

 Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định nhiều điểm mới về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động, cụ thể như sau:

          1. Bổ sung các chính sách đối với lao động nam để bảo đảm bình đẳng giới

          Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi tiêu đề Chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ” (trong Bộ luật Lao động năm 2012) bằng tiêu đề Chính sách của Nhà nước”; Điều 136 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi tiêu đề Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ” (trong Bộ luật Lao động năm 2012) bằng tiêu đề Trách nhiệm của người sử dụng lao động” và Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi tiêu đề Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ” (trong Bộ luật Lao động năm 2012) bằng tiêu đề Bảo vệ thai sản”…. Như vậy, để bảo đảm bình đẳng giới thì chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo vệ thai sản, bảo đảm việc làm… không chỉ đối với lao động nữ mà bao gồm đối với lao động nam.

          Đồng thời, Khoản 1 Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, bổ sung các quy định: bảo đảm bình đẳng giới cho cả lao động nam và thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giớiphòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

           Khoản 2 Điều 135 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bổ sung lao động nam vào trong chính sách: khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ, lao động nam có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.

          2. Sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ thai sản

          2.1. Sửa đổi quy định về sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa

          Khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

          “1. Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp sau đây:

          a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

          b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

          Theo đó, Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, bổ sung nội dung:

          - Thay “lao động nữ” bằng “người lao động” trong quy định về các trường hợp người sử dụng lao động không được sử dụng làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.

          - Sửa đổi quy định lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được sử dụng làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa bằng quy định người lao động (cả nữ và nam) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được sử dụng làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

          2.2. Sửa đổi quy định về việc chuyển sang làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm giờ làm việc

          Khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi quy định Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07” (trong Bộ luật Lao động năm 2012) bằng quy định “Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết” thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích. Thời gian thực hiện cho cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

          2.3. Sửa đổi, bổ sung quy định về việc người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

          Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động (Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ quy định đối với lao động nữ) vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

          Theo đó, bổ sung thêm trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là người sử dụng lao động bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

            Đồng thời, Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bổ sung quy định: Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

          Và bỏ quy định: Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động (Vì đã quy định trong Chương kỷ luật lao động).

          3. Sửa đổi quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

          3.1. Sửa đổi việc thông báo cho người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

          Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi quy định “Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.” (trong Bộ luật Lao động năm 2012) bằng quy định Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.”.

          Như vậy, theo quy định Bộ luật Lao động năm 2019, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì lao động nữ không phải báo trước mà phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

          3.2. Bổ sung quy định về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

          Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định: Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

          4. Bổ sung quy định về nghỉ thai sản

          Khoản 5 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 bổ sung quy định về nghỉ thai sản như sau: Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

          5. Sửa đổi quy định về bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản

          Điều 140 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

          Theo đó, sửa đổi quy định lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ sau khi nghỉ thai sản bằng quy định người lao động (cả nữ và nam) được bảo đảm việc làm cũ sau khi nghỉ thai sản; đồng thời bổ sung quy định người lao động không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.

          6. Sửa đổi quy định về trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai

          Điều 140 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sảnngười lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

          Theo đó, sửa đổi quy định lao động nữ được trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, khám thai và thực hiện các biện pháp tránh thai bằng quy định người lao động được trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai và bổ sung trường hợp triệt sản thì người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

          7. Sửa đổi, bổ sung quy định về nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con

          Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi tiêu đề “Công việc không được sử dụng lao động nữ” (trong Bộ luật Lao động năm 2012) bằng tiêu đề nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con”.

          Theo đó, sửa đổi quy định bắt buộc về những công việc không được sử dụng lao động nữ bằng quy định Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con và người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin về tính chất nguy hiểm, nguy cơ, yêu cầu của công việc để người lao động (bao gồm cả nữ và nam) lựa chọn làm hay không làm công việc đó.

          Đồng thời để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và sức khỏe thai nhi, Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng bổ sung quy định: Người sử dụng lao động phải bảo đảm điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng họ làm công việc thuộc danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con.

                                                                            Lê Văn Xá

                                                  PTP. Lao động-Việc làm-An toàn lao động

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video