Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
- Trang chủ
- Tin tức - Sự kiện
- Giới thiệu
- Thủ tục hành chính
- Văn bản
- Báo cáo tài chính
- Chiến lược, QH, KH
- Chuyển đổi số
Đang truy cập: 2
Hôm nay: 8
Tổng lượt truy cập: 789.961
Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Ngày đăng: 15-09-2022
- 201 lượt xem
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được câu hỏi của người lao động như sau: Tôi có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 đến 3 năm. Tôi làm đơn xin nghỉ việc và gửi lên Công ty ngày 15 tháng 01 năm 2019 đến ngày 25 tháng 01 năm 2019 tôi đã nghỉ. Do chưa hết thời gian báo trước là 30 ngày, nên theo điều 43 Bộ luật Lao động năm 2012, tôi bị trừ tiền theo số ngày nghỉ vi hạm là 20 ngày và tôi bị trừ thêm 1/2 tháng lương nữa. Tôi xin hỏi, tôi bị trừ thêm 1/2 tháng lương như nêu trên là có đúng không? Khi tôi bị kỷ luật sa thải thì ngoài việc đền bù thiệt hại nếu có, tôi có được quyền lợi gì nữa không?
Vấn đề người lao động hỏi, Sở Lao động Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
I. Đối với câu hỏi thứ nhất:
- Tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này.”
- Tại Điều 43 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật như sau:
“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”
Đối chiếu các quy định trên với trường hợp của ông/bà thì việc ông/bà đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà vi phạm thời hạn báo trước (được quy định tại Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2012) là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và việc ông/bà phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là đúng theo quy định.
II. Đối với câu hỏi thứ 2
- Tại khoản 8 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.”
- Tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động như sau:
“3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
- Tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Đối chiếu với các quy định nêu trên thì người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động, đồng thời được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013.
Lê Văn Xá
PTP. Lao động-Việc làm-An toàn lao động.