Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 21

Hôm nay: 22788

Tổng lượt truy cập: 788.848

Thị trường lao động là thị trường của sức lao động, của các chủ thể tìm việc làm và các chủ thể tạo ra việc làm trong một địa phương hoặc một quốc gia cụ thể. Thị trường lao động bao gồm các hoạt động thuê mướn lao động và cung ứng lao động để thực hiện những công việc nhất định, xác định các điều kiện lao động, tiền công và các phúc lợi phải trả cho người lao động. Giải quyết việc làm,  đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những vấn đề quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ người sử dụng lao động tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và phát triển của đất nước, cùng với các thị trường khác, thị trường lao động cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng đang ngày càng phát triển và diễn ra hết sức sôi động, với những đòi hỏi thiết thực, bức bách hơn trong quan hệ cung-cầu lao động.

Công nhân tại một số nhà máy sản xuất gỗ có nguy cơ mất việc làm cao

              Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII đã đặt ra chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2020-2025 là 12.000 lao động và giai đoạn 2025 - 2030 trên 12.500 lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33% và đến năm 2030 là 85 - 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 36%. Để thực hiện đạt chỉ tiêu Đại hội đưa ra, nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, QPAN, vấn đề lao động - việc làm, giáo dục nghề nghiệp luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp chính quyền, đoàn thể tỉnh Quảng Trị đã tập trung thực hiện các giải pháp để triển khai phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện các hoạt động thị trường lao động chủ yếu trong tỉnh, các tỉnh trong nước và nước ngoài, bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: Kết nối cung, cầu lao động; tổ chức Sàn giao dịch việc làm cố định, lưu động và chuyên đề; tổ chức Hội nghị, hội thảo; thông qua Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo, Zalo, mạng internet … nhằm cung cấp thông tin nhanh nhất đến người lao động, người sử dụng lao động. Từ đó có sự gặp gỡ, trao đổi về thông tin để người lao động tìm được việc làm phù hợp với khả năng của mình, tăng thu nhập ổn định đời sống, người sử dụng lao động tiếp nhận, sử dụng người lao động phù hợp với công việc để nâng cao năng suất sản xuất và phát triển kinh doanh. Bình quân hằng năm người lao động của tỉnh Quảng Trị tìm kiếm được việc làm trên địa bàn tỉnh khoảng 6.500 đến 7.000 người; tìm được việc làm tại các tỉnh bạn khoảng 3.000 đến 4.000 người; tìm được việc làm ở thị trường nước ngoài khoảng 1.000 đến 1.500 người. Trong lúc đó, hằng năm nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động tỉnh Quảng Trị là khoảng 17.000 lao động. Riêng năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 16.103 lượt lao động, đạt 134,2% kế hoạch, trong đó có 2.845 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 237 % kế hoạch năm; 6 tháng đầu năm 2023, giải quyết việc làm cho 7.275 lượt lao động, đạt 60% kế hoạch năm. Cuối năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70,28%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng  cấp chứng chỉ đạt 32,5%.

Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng được nâng cao, nguồn lực lao động của tỉnh đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên nhu cầu việc làm của người lao động tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được đáp ứng; vấn đề giải quyết việc làm, cung ứng lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng lao động trong các doanh nghiệp không đồng đều, quy mô lao động của doanh nghiệp hầu hết thuộc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số doanh nghiệp có dưới 50 lao động chiếm đa số, một số doanh nghiệp lượng lao động chỉ dưới 10 người.

Năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối diện nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, biến động thị trường trong nước và trên thế giới làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp, tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn suy giảm, các doanh nghiệp hiện đang ghi nhận tình trạng bị cắt giảm đơn hàng, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, lao động bị mất việc làm, giảm  thu  nhập, ảnh hưởng đến đời  sống  vật chất  và  tinh  thần.

Số lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tính đến tháng 5/2023 có khoảng 7.000 người. Qua kiểm tra của các ngành chức năng, lao động bị mất việc, giảm việc làm chủ yếu ở các doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp có lao động mất việc, giảm việc làm và nghỉ không lương, với 971 lao động bị ảnh hưởng việc làm (251 lao động thôi việc, mất việc làm thuộc ngành dệt may, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa…); có 380 lao động bị giảm giờ làm; 190 lao động ngừng việc, nghỉ không hưởng lương; 150 lao động tạm hoãn hợp đồng. 

Việc khôi phục, mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu, số lượng thông tin tuyển dụng chưa cao, chưa phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Thị trường lao động vẫn có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động, cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ. Một lý do quan trọng nữa là sức sản xuất của nền kinh tế tỉnh Quảng Trị vẫn còn thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao, lực lượng lao động có trình độ cao, đặc biệt là nguồn lao động đang được đào tạo chuyên sâu ở bên ngoài tỉnh Quảng Trị ít khả năng trở về địa phương mình để làm việc do thị trường lao động trong tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn, giá nhân công rẻ.

Thị trường lao động ở tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2020 – 2025 được dự báo sẽ có những biến động về nhu cầu lao động, bao gồm sự tăng lên về số lượng lao động được sử dụng trong doanh nghiệp với các dự án sản xuất năng lượng, chế biến nông – lâm – thủy sản, dệt may, đặc biệt là các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nếu được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ thu hút nhiều lao động của địa phương, trong đó nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao sẽ tăng lên nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho các cơ sở đào tạo ở trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động, cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp, do đó việc phát triển thị trường lao động là rất cần  thiết đối với người lao động của tỉnh nhà, giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, tăng thu nhập, ổn định đời sống, cũng như người sử dụng lao động tuyển dụng được lao động phù hợp với vị trí công việc nhằm phát triển doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để xây dựng và phát triển thị trường lao động tỉnh Quảng Trị cần thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất, xác định công tác phát triển thị trường lao động là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng những kế hoạch, chương trình, chính sách cụ thể đồng bộ với những giải pháp có tính chiến lược trong công tác này. Theo đó, cần thúc đẩy việc thu hút đầu tư, phát triển các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thu hút số lượng lớn lao động tham gia làm việc để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân trên địa bàn...

Truyền thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình hành động giải quyết việc làm cho người lao động: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân, người lao động và người sử dụng lao động về giải quyết việc làm.

Hai là, đối với lực lượng lao động tại địa phương, trên cơ sở phân tích các điều kiện sản xuất, sinh kế của người dân. Từ đó xác định lực lượng lao động cần phải chuyển đổi ngành nghề, phải đào tạo và đào tạo lại. Từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo theo chuỗi giá trị, ngành nghề đào tạo bám sát việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung đào tạo những ngành nghề chủ lực của tỉnh, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Ba là, đổi mới hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo những kỹ năng ngoại ngữ, tính kỷ luật, kỷ cương… để hội nhập với thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới. Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy. Rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng và vùng kinh tế trọng điểm. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ.

Thứ tư, liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo đơn đặt hàng đảm bảo theo yêu cầu, kể cả liên kết cung ứng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp thông qua các hoạt động như: Xây dựng chuỗi tuyển dụng, cung ứng lao động để kết nối  giữa nhà tuyển dụng và người lao động thông qua mạng lưới cộng tác viên được xây dựng đến thôn, bản. Mặt khác, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho người lao động thông qua các sự kiện truyền thông, các phiên giao dịch việc làm từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn; thông qua đó giúp người lao động tiếp cận được thị trường lao động thuận lợi, dễ dàng.

Thứ năm, chú trọng hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân trên địa bàn và vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho địa phương. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với sự phát triển chung của địa phương.

Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm. Nâng cao năng lực của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp. Hình thành và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động từ tỉnh đến cơ sở. Phối hợp với các địa phương để đầu tư Sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các huyện, thị xã.

Bảy là, đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu xã hội, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng đào tạo gắn với việc giải quyết việc làm. Tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

                                                                                                                           Nguyễn Thị Ái Loan

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video