Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 17

Hôm nay: 672

Tổng lượt truy cập: 813.099

 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

 

Theo đó, Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện rõ quan điểm:

Một là: Phát triển Giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

Hai là: Phát triển Giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới;

Ba là: Phát triển Giáo dục nghề nghiệp bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; 

Bốn là: Nhà nước có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho Giáo dục nghề nghiệp trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa Giáo dục nghề nghiệp ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp; 

Năm là: Phát triển Giáo dục nghề nghiệp là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và người dân; được chú trọng trong các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển ngành, địa phương.

Mục tiêu của Chiến lược là "Phát triển nhanh Giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn".

Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả Giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.

Định hướng đến năm 2045, Giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về Giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Chiến lược đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: 

Thứ nhất: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp

Thứ hai: Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; 

Thứ ba: Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong Giáo dục nghề nghiệp;

Thứ tư: Gắn kết chặt chẽ Giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động;

Thứ năm: Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; 

Thứ sáu: Tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho Giáo dục nghề nghiệp

Thứ bảy:  Truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của Giáo dục nghề nghiệp;

Thứ tám: Chủ động và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, giải pháp "Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo" và "Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong Giáo dục nghề nghiệp" được xác định là giải pháp đột phá./.

                                                                                                     Nguyễn Trường An

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video