Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 8
Hôm nay: 672
Tổng lượt truy cập: 800.620
Một số điểm mới trong Luật an toàn, vệ sinh lao động
- Ngày đăng: 30-03-2022
- 259 lượt xem
Luật An toàn, vệ sinh lao động gồm 7 chương 93 điều được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 25 tháng 6 năm 2015, trên cơ sở cụ thể 20 Điều tại Chương IX của Bộ Luật lao động năm 2012, kế thừa qui địnhvề bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Mục 3 Chương III của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Luật An toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Một số điểm mới trong Luật an toàn, vệ sinh lao độngnhư sau:
Thứ nhất:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: So với quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật lao động năm 2012, Luật an toàn, vệ sinh lao động quy định rộng hơn, bao quát hơn và cụ thể hơn các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động.
- Phạm vi điều chỉnh
Ngoài các quy định trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phạm vi điều chỉnh của Luật còn bao gồm cả các quy định về tổ chức quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ...
- Đối tượng áp dụng
Công tác an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động lao động, sản xuất. Chính vì vậy, đối tượng áp dụng của Luật An toàn, vệ sinh lao động là người lao động đang có việc làm bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động được quy định tại Bộ luật lao động (thể hiện qua hợp đồng lao động), cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động không có hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ hai:
- Luật quy định chế độ, chính sách bảo hộ lao động, thông tin, tuyên truyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhằm phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
- Luật quy định các biện pháp tổ chức, quản lý liên quan trực tiếp tới quyền lợi người lao động được chi tiết từ Bộ luật lao động, bao gồm: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật, khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; bổ sung thêm các quy định về nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, giới hạn thời gian tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại, điều dưỡng phục hồi sức khỏe và việc quản lý sức khỏe người lao động.
- Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động về việc cung cấp thông tin an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người đến thăm quan, làm việc, học nghề, tập nghề tại cơ sở của mình; trách nhiệm cung cấp thông tin về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động kèm theo sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất,…
Thứ ba:
- Qui định chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Ngoài ra, bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ như đối với người bị tai nạn lao động, bao gồm: bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn; bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn …
- Về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong Luật quy định cụ thể về nguyên tắc, đối tượng tham gia, mức đóng quỹ; các chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó không tăng thêm mức đóng từ phía người sử dụng lao động vào quỹ (vẫn là 1% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội); đồng thời bổ sung thêm các nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thứ tư:
- Chế độ khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Các quy định về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chi tiết hơn so với các quy định tại Bộ luật lao động, được pháp điển hóa từ những quy định, hướng dẫn tại các văn bản dưới luật.
- Ngoài ra, bổ sung quy định trách nhiệm khai báo tai nạn lao động chết người đối với người lao động không có hợp đồng lao động; trách nhiệm thống kê, báo cáo tai nạn lao động chết người của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp huyện; trách nhiệm Bộ Y tế trong việc gửi kết quả tổng hợp về tình hình bệnh nghề nghiệp về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thứ năm:
Các quy định về những nội dung cơ bản thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được quy định bao gồm như: Lập kế hoạch, thành lập Phòng hoặc bộ phận làm công tác an toàn, công tác tự kiểm tra, thi đua, khen thưởng, thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động.
Thứ sáu:
- Tổ chức bộ máy thanh tra an toàn, vệ sinh lao động: Có quy định thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là lực lượng thanh tra chuyên ngành, do cơ quan thực hiện quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương thực hiện, gồm cấp trung ương và cấp tỉnh.
- Việc thanh tra an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.
Nguyễn Đăng Khiêm