Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 964

Tổng lượt truy cập: 666.528

Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị vừa tổ chức Hội nghị gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động

Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và tạo việc làm bền vững cho người lao động được kỳ vọng sẽ đem lại những bứt phá mới cho GDNN Quảng Trị. Tuy nhiên, trên thực tế sự liên kết này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp để tháo gỡ.

Từng bước đào tạo nghề theo “địa chỉ”

Những năm qua, hoạt động gắn kết GDNN với doanh nghiệp luôn được tỉnh hết sức coi trọng, nhờ vậy, mối quan hệ này từng bước được hình thành và việc đào tạo của cơ sở GDNN cũng dần có “địa chỉ” đã góp phần nâng cao chất lượng tay nghề, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Ông Lê Thiên Vinh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng kỹ thuật Quảng Trị cho biết: Hiện nhà trường có quan hệ hợp tác với 8 doanh nghiệp đối tác. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm trường tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho gần 450 học sinh, sinh viên và hầu hết các em sau khi tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp theo cam kết với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

PGĐ Sở LĐ-TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang chủ trì Hội nghị

Vai trò của nhà nước trong công tác gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp cũng từng bước được khẳng định. Thông qua việc tổ chức Sàn giao dịch việc làm định kỳ, nhiều doanh nghiệp tham gia đã chủ động cung cấp thông tin tuyển dụng và đặt hàng đào tạo cho 14.129 lao động với các cơ sở GDNN. Ngoài ra, tỉnh cũng đã bố trí hơn 6,3 tỷ đồng hỗ trợ thông qua cơ sở GDNN để đào tạo trình độ sơ cấp cho 3.116 lao động phục vụ các doanh nghiệp may trên địa bàn; các học viên được đào tạo, thực hành trực tiếp trên thiết bị của doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng đầu ra của cơ sở GDNN và đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào theo yêu cầu của doanh nghiệp.

         Những bất cập cần được tháo gỡ

Mặc dù mô hình liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp đã bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, một số cơ sở GDNN trên địa bàn vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp và thị trường lao động. Qua thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2021, có trên 80% lao động và 74,3% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm nhưng chỉ có 49,6% làm việc đúng chuyên ngành đào tạo; kết quả này đã phản ánh sự “lệch pha” trong đào tạo với nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng mất cân đối về nhân lực và gây lãng phí về nguồn lực.

Theo ông Phạm Phú Trăng - Giám đốc Chi nhánh Cty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tại Quảng Trị: Các cơ sở GDNN vẫn chưa xây dựng được chương trình đào tạo riêng cho doanh nghiệp mà chỉ đào tạo dựa trên các ngành nghề nhà trường sẵn có; việc tìm kiếm và trao đổi thông tin giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến cho mối gắn kết giữa hai bên chưa bền vững, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tham gia hợp tác với cơ sở GDNN và ngược lại, các cơ sở đào tạo nghề cũng thụ động trong thiết lập mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp.

         Tăng cường sự gắn kết này là yêu cầu đặt ra

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng: Cùng với xu hướng ngày càng phát triển, hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới; để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng nhiều biến động trong thời kỳ hậu Covid-19 và trước bối cảnh Quảng Trị đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai các dự án lớn trên địa bàn, thì mối gắn kết giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp là rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đức Thiện - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: Quảng Trị hiện có trên 180 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trên 110 dự án đang hoạt động, với hơn 7.000 lao động đang làm việc trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Theo dự báo nhu cầu lao động trong giai đoạn 5 - 10 năm tới là trên 100.000 người. Vì vậy, việc xây dựng mối gắn kết bền vững giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ cấp bách đặt ra.

           Cần nhiều giải pháp thúc đẩy sự gắn kết

Để giải quyết bài toán này, tại Hội nghị nhiều ý kiến đại biểu đã đề xuất: Địa phương cần ban hành các chính sách thu hút, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động GDNN, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết và các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN; thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm cung cấp thông tin, tư vấn nghề nghiệp việc làm; đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu ngành, nghề, tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp

       Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang nhấn mạnh: Để mối quan hệ này đi vào thực chất, hiệu quả, các cơ sở GDNN cần nâng cao năng lực đào tạo; thường xuyên cập nhật và kịp thời bổ sung danh mục, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, gắn kết chặt chẽ với cơ sở GDNN; thường xuyên thống kê và cung cấp thông tin nhu cầu lao động, ngành nghề đào tạo để cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và cơ sở GDNN cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong biên soạn chương trình đào tạo, quá trình đào tạo và đánh giá kết quả người học./.

                                                    Nguyễn Trường An

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video