Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 17
Hôm nay: 22861
Tổng lượt truy cập: 788.921
Chung tay xóa bỏ Bạo lực trên cơ sở giới
- Ngày đăng: 30-03-2022
- 237 lượt xem
Bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề phức tạp, bắt nguồn từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu bám rễ hàng ngàn đời nay trong nền văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Bạo lực trên cơ sở giới có phạm vi rộng và thể hiện ở nhiều hình thức, như: bạo lực gia đình; tình trạng tảo hôn, ép hôn; buôn bán người; lạm dụng tình dục trẻ em; quấy rối tình dục; nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi…Mặc dù cả nam giới và trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, nhưng phụ nữ và trẻ em gái thường phải chịu tác động nặng nề hơn do bạo lực trên cơ sở giới gây ra. Tác động của bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam không chỉ giới hạn ở cấp độ cá nhân và gia đình mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bạo lực trên cơ sở giới không chỉ xảy ra trong gia đình mà còn ở nơi làm việc, nơi công cộng và các môi trường khác. Vì vậy, cần có cái nhìn tổng thể hơn về bạo lực trên cơ sở giới. Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới là trách nhiệm chung, đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ, sự tham gia của tất cả chúng ta, của các cấp Ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và toàn thể người dân.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cam kết cùng thế giới thực hiện các nghĩa vụ về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới thông qua ký kết nhiều Hiệp ước và công ước quốc tế về nhân quyền liên quan đến bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới, như: Công ước CEDAW, Công ước về Quyền Trẻ em, Công ước của Liên hợp quốc về Phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên Quốc gia và Nghị định thư bổ sung về Phòng chống và trừng phạt nạn Buôn bán người. Cùng với những cam kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007), Luật Phòng chống buôn bán người (2012), Bộ Luật Lao động sửa đổi (năm 2012), Luật trẻ em (2016)…xây dựng các chiến lược, chương trình kế hoạch như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, Chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình…
Đối với tỉnh ta, trong những năm qua với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh nên công tác bình đẳng giới và VSTBCPN ngày càng có những bước chuyển mới. Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch hành động về công tác bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 và chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả.
Với 7 mục tiêu và 30 chỉ tiêu cùng các nhóm giải pháp cụ thể được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh nên công tác bình đẳng giới và VSTBCPN đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trên nhiều lĩnh vực như giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, văn hóa. Vị trí của người phụ nữ đang từng bước được nâng lên. Chính quyền các cấp tiếp tục tạo mọi điều kiện để phụ nữ thực hiện các quyền cơ bản và phát huy vai trò của người phụ nữ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên tình trạng bất bình đẳng giới- bạo lực trên cơ sở giới tập trung vào nữ giới và trẻ em gái đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm cần được quan tâm. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phụ nữ và trẻ em gái còn chịu rất nhiều thiệt thòi.
Như chúng ta đã biết, tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính thai nhi, việc phá thai ở trẻ em gái và tuổi vị thành niên đang diễn phức tạp. Nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi đang gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh và từ đó dẫn tới những hệ lụy sâu sắc, làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2016 của tỉnh Quảng Trị là 112,8 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Và trong thời gian tới, nếu không có giải pháp tích cực, quyết liệt thì khả năng chênh lệch tỷ lệ nam/nữ khi sinh lại tăng cao hơn. Tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân.
Cần quan tâm nhiều hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái
Một vấn đề đáng quan tâm đối với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trên đia bàn tỉnh ta hiện nay, đó là vấn đề kết hôn sớm của trẻ em, đặc biệt tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang diễn ra, gây không ít khó khăn cho công tác DS-KHHGĐ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, giảm chất lượng giống nòi, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, giai đoạn 2010 - 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có 1.339 trường hợp tảo hôn.
Đa số các cặp tảo hôn đều là con em thuộc hộ nghèo, bỏ học giữa chừng, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về các kiến thức xã hội, không có việc làm ổn định, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống.
Những cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết đa số đều có kinh tế khó khăn, con cái của họ khi sinh ra dễ mắc bệnh tật, để lại gánh nặng, hệ lụy cho gia đình, xã hội. Trẻ em gái thường chịu tác động tiêu cực của nạn tảo hôn như việc phải nghỉ học sớm, nguy cơ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh và bạo lực gia đình cùng những nguy cơ khác.
Một trong những hình thức bạo lực trên cơ sở giới mà chúng ta thường gặp phải đó là tình trạng bạo lực gia đình. Theo số liệu thống kê và khảo sát xã hội về bạo lực gia đình của Sở VHTT&DL Quảng Trị, hàng năm, toàn tỉnh có trên 207 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ từ 15- 59 tuổi, chiếm 87,9%. Và thống kê của các ngành chức năng cho thấy 70% các vụ việc vợ chồng ly hôn, ly thân có nguyên nhân bắt nguồn từ xung đột, bạo lực gia đình. Con số vụ việc bạo lực gia đình ở trên chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tế, vì đa số chị em phụ nữ không tố cáo, không nói ra; thậm chí rất nhiều chị em phụ nữ còn nhận thức hạn chế về quyền con người của mình.
Mặt khác, trong nhận thức của cộng đồng thì bạo lực gia đình vẫn được xem là vấn đề riêng tư của mỗi gia đình, chỉ đến khi nào mức độ bạo lực quá nghiêm trọng, gây nhiều thương tích thì các cơ quan chức năng mới can thiệp, giải quyết.
Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới không chỉ dừng lại ở bạo lực gia đình, mà nó còn là vấn đề kết hôn trẻ em, tình trạng bạo hành giới, mua dâm và mua bán phụ nữ, bạo lực học đường… Thời gian qua, theo số liệu thống kê thì trên địa bàn tỉnh ta đã có 30 trường hợp phụ nữ bị buôn bán. Những phụ nữ bị bán sang nước ngoài đa số phải chịu cảnh bóc lột sức lao động, là công cụ mại dâm và sinh đẻ trên đất nước xa lạ. Và một hiện tượng đáng lo ngại trong thời gian gần đây là bạo lực học đường. Chuyện các học sinh đánh nhau, đặc biệt nạn nhân bị đánh chủ yếu là học sinh nữ thực sự là một vấn đề bức xúc.
Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Bạo lực trên cơ sở giới làm xói mòn các chuẩn mực giá trị đạo đức, tổn hại về sức khỏe và thể chất, gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế- xã hội của gia đình, cộng đồng và mỗi quốc gia. Đặc biệt, trẻ em bị bạo lực hoặc phải chứng kiến cảnh bạo lực thường bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, ám ảnh và mặc cảm, dễ có hành vi bạo lực đối với người khác. Đã có không ít trẻ em phải bỏ học, sa vào các tệ nạn xã hội, sống buông thả và mất phương hướng, lý tưởng do lớn lên trong những gia đình có bạo lực. Những em bé gái đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi đi học đã vội sớm lấy chồng, sinh con rồi lai sinh ra cái vòng luẩn quẩn của thất học, nghèo đói. Thực hiện bình đẳng giới gắn với phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vì thế được xem là giải pháp quan trọng nhằm đạt được mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trên cơ sở giới, nhưng nguyên nhân trực tiếp và có nguồn gốc sâu xa là sự bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào nếp nghĩ của người Á Đông hàng ngàn năm nay. Để giải quyết được vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, trước hết cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ thay đổi nhận thức và định kiến về giới, bình đẳng giới và nâng cao hiểu biết về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em… cho cộng đồng và toàn xã hội. Đồng thời, các cơ quan thực thi pháp luật cần xử lý nghiêm những vụ việc và đối tượng gây bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nhằm tuyên truyền, giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm. Ở mỗi xã, phường, thị trấn cần xây dựng ít nhất một địa chỉ tin cậy tại cộng đồng (nhà tạm lánh, cơ sở y tế…) để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Mặt khác, để nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, cần có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế sự phụ thuộc về kinh tế của phụ nữ trong gia đình. Xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ sẽ thúc đẩy bình đẳng giới ngày một tốt hơn, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.
Ngoài triển khai thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các dịch vụ cơ bản về y tế và giáo dục,… thì các cấp Ủy Đảng, chính quyền cần có sự quan tâm trong chỉ đạo và thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho các đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái được sống, học tập, làm việc, vui chơi giải trí trong môi trường an toàn, lành mạnh, bình đẳng để phát triển; thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh nữ; quan tâm chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…Ưu tiên thực hiện hỗ trợ học bổng, trợ cấp khó khăn cho đối tượng học sinh nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; nhân rộng các mô hình, dự án phòng chống kết hôn trẻ em...
Ái Loan