Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 44

Hôm nay: 518

Tổng lượt truy cập: 812.242

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Trị bao gồm hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã ở Gio Linh, Vĩnh Linh với diện tích 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên. Sau khi sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Dân số miền núi là 43.667 hộ với 182.124 khẩu, trong đó số hộ đồng bào dân tộc thiểu số 20.476 hộ, 87.218 khẩu (chiếm tỷ lệ 14% dân số toàn tỉnh).  

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các Sở, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị, địa phương trong tỉnh nên công tác bình đẳng giới ngày càng có những bước chuyển mới, nhận thức của người dân về bình đẳng giới cơ bản đã có chuyển biến tích cực, đi vào thực chất hơn. Với 6 mục tiêu và 21 chỉ tiêu và các nhóm giải pháp cụ thể trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021-2030 được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh, qua gần một năm triển khai thực hiện, công tác bình đẳng giới đã đạt và vượt kế hoạch đề ra trên nhiều lĩnh vực như giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, văn hóa, ... Vị trí của người phụ nữ đang từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, công tác BĐG cũng còn gặp không ít khó khăn khi định kiến giới ở một số nơi vẫn còn tồn tại trong gia đình và xã hội; vẫn còn xảy ra các tình trạng như: bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục trẻ em gái, mua bán phụ nữ, không muốn nhận phụ nữ trong các doanh nghiệp, không muốn bỏ phiếu cho nữ giới trong các cuộc bầu cử hoặc không ủng hộ cho cán bộ nữ ... đặc biệt là trình độ, nhận thức của phụ nữ trên địa bàn còn chưa đồng đều, một số phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu vùng xa còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, còn tự ti, chưa mạnh dạn thể hiện chính kiến, năng lực của mình, chưa chủ động học tập, phấn đấu vươn lên, trình độ dân trí thấp dẫn đến vấn đề nhận thức về giới còn hạn chế.

       Xuất phát từ nhận thức và tư duy về sự độc lập và tự chủ về kinh tế của phụ nữ khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) còn rất hạn chế, mang nặng tư tưởng và quan niệm phụ nữ chỉ làm việc nội  trợ và chăm con trong gia đình nên chưa chủ động tiếp cận để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó việc tiếp cận với giáo dục cho trẻ em trai và trẻ em gái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn do nhiều yếu tố mang lại; các vụ bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra; tại vùng DTTS, miền núi, nam giới ngoài việc giúp vợ làm những công việc trên nương rẫy, rất ít chia sẻ những trách nhiệm khác trong gia đình lại chính là người đại diện cho gia đình trong các cuộc họp ở cộng đồng; tình trạng kết hôn trẻ em vẫn còn xảy ra với số lượng lớn.

Từ thực trạng trên, thực hiện Kế hoạch số 5291/KH-UBND ngày 22/11/2018 về hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2025; Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 08/07/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2021 về thực hiện Chương trình phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 40/KH-UBND, ngày 04/3/2021 về việc Triển khai thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025 tỉnh Quảng Trị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể và các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào DTTS; vận động đồng bào DTTS phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới, đồng thời phối hợp UBND hai huyện Hướng Hóa và Đakrông tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, tập huấn nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, cung cấp sản phẩm truyền thông, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, … tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được một số kết quả tích cực, nhận thức của người dân về bình đẳng giới và pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được nâng cao, thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục, phong phú và dễ tiếp cận. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Tổ chức phát thanh lưu động về trẻ em và bình đẳng giới tại các địa phương trên toàn tỉnh

Với mục tiêu nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em và cộng đồng. Mọi trẻ em được sống trong vùng dự án can thiệp hiểu về quyền và được bảo vệ khỏi những tác hại của kết hôn trẻ em đồng thời nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giảm thiểu tình trạng kết hôn trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn hai huyện Hướng Hóa và Đakrông. Từ năm 2016 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND huyện Hướng Hóa và Đakrông, các tổ chức phi chính phủ triển khai Dự án Phòng chống kết hôn trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị với 24 khóa tập huấn, 174 cuộc truyền thông tại thôn được tổ chức với hơn 5000 người tham gia. Tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương đã thành lập mạng lưới Cộng tác viên để nắm bắt tình hình thực tế của từng địa phương và có những chỉ đạo kịp thời trong công tác phòng, chống kết hôn sớm ở trẻ em. Đến nay, đã có hơn 16 xã trên địa bàn tỉnh tổ chức xây dựng Quy ước Thôn không có tảo hôn để áp dụng thực hiện một cách nề nếp và hiệu quả.

Tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân về thực hiện Quy ước thôn không có tảo hôn tại xã Xy, huyện Hướng Hóa

Một trong những vấn đề được trú trọng trong công tác Bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS là xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại các địa phương. Năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Đakrông và UBND xã Tà Long thực hiện triển khai thí điểm Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại xã Tà Long. Đây là mô hình được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hỗ trợ nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng. Nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội trên địa bàn quận theo hướng phát triển mạng lưới trợ giúp xã hội cơ sở, đa dạng hóa mô hình trợ giúp phù hợp với điều kiện trên địa bàn. Mô hình được thực hiện đảm bảo 100% nạn nhân trên cơ sở giới khi được phát hiện đều được tư vấn về tâm, pháp luật cơ bản, được chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ban đầu về tạm lánh khẩn cấp và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết. đến nay, mô hình đã đi vào hoạt động và đạt được những kết quả nhất định. Công tác tuyên truyền, phổ biến được triển khai rộng rãi tới mọi người dân trên địa bàn; công tác tập huấn nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm triển khai. Mô hình đã hỗ trợ, can thiệp, xử lý trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 500 chị em đang sinh sống tại địa bàn. Thông qua các hoạt động truyền thông, mô hình đã được lan tỏa tới các địa bàn khác trong huyện Đakrông (đã có một số nạn nhân của các địa bàn khác gọi điện đến "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh" xã Tà Long để được tư vấn, trợ giúp).

Sở LĐ-TB&XH tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có phụ nữ xâm hại, bị bạo lực tại huyện Đakrông

 

Từ mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh”, từ các quy ước thôn không có tảo hôn được xây dựng tại các địa phương và từ công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đã góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ nữ vùng đồng bào DTTS về giới, về bình đẳng giới. Tuy nhiên, Công tác BĐG vùng đồng bào DTTS đến nay vẫn là một nhiệm vụ, kế hoạch dài hạn. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác BĐG nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn trẻ em đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị:

      Thứ nhất, trong công tác giáo dục, vấn đề dạy chữ viết cho phụ nữ DTTS là ưu tiên hàng đầu. Đối với nhóm đối tượng này, những chương trình dạy chữ cần thiết thực, kết hợp phát triển kinh tế và học chữ, để khuyến khích phụ nữ tham gia. Đối với những nhóm đối tượng như học sinh tiểu học và trung học, cần đầu tư thêm để các em có thể theo đến hết bậc trung học và học cao lên và tránh không bị rơi vào vòng tái mù như các thế hệ phụ nữ đi trước. Thực hiện nghiên cứu toàn diện hơn về tỷ lệ mù chữ trong phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những giải pháp xóa mù phù hợp và tăng cường sự tham gia của phụ nữ DTTS trong việc tiếp cận các cơ hội cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Thực hiện nghiên cứu tổng thể hơn về bối cảnh dễ bị tổn thương của phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những khuyến nghị và thiết kế những chính sách phù hợp với nhu cầu của phụ nữ DTTS, tăng cường khả năng chống đỡ của họ trước các vấn đề toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, những hiện tượng xã hội như nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em... Đây là những vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay, cần có giải pháp cơ bản đồng bộ trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.

       Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông. Việc tuyên truyền cần được đa dạng hóa hình thức, nội dung thiết thực, dễ hiểu hơn. Tập huấn kiến thức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, về kỹ năng chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, dân số và kế hoạch hoá gia đình, ... Đồng thời, xây dựng hình tượng người phụ nữ trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế “có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

      Thứ ba, hiện nay lao động nữ thanh niên DTTS vẫn bị tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội do rào cản ngôn ngữ và hạn chế về trình độ học vấn. Các lớp đào tạo dạy nghề cho phụ nữ DTTS cần quan tâm đến những đặc thù này và khả năng tham gia vào thị trường lao động cụ thể. Trong công tác đào tạo nghề thì cần có sự hài hòa về vai trò sản xuất và tái sản xuất của người phụ nữ.

      Thứ tư, cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới vùng DTTS có việc làm tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chia sẻ lẫn nhau trong thực hiện vai trò sản xuất, sinh sản nuôi dưỡng, cộng đồng./.

                                                                                                                     Đào Nhung

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video