Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 1301

Tổng lượt truy cập: 679.938

Nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền cho phụ nữ và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền chính trị của phụ nữ hiện nay còn nhiều rào cản và khó khăn. Vì vậy, để đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, cần phải có một hệ giải pháp đồng bộ và khả thi, gắn liền với nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung và phương thức phát huy tiềm năng phụ nữ …

Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm cuối thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011-2020 và các Chương trình, Đề án liên quan tới BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn đến năn 2020; đồng thời cũng là năm chuẩn bị để triển khai các hoạt động cho giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030. Nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy các thành tựu đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, cùng với việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực chính trị và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Trong  nhiệm kỳ 2016-2021 tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển tích cực trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở các cấp của nhiệm kỳ này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể: Cấp tỉnh: 06/53 đồng chí đạt tỷ lệ 11.32% (tăng 2,22% so với nhiệm kỳ trước), đạt 45% chỉ tiêu đề ra, trong đó nữ tham gia Ban Thường vụ đạt 13,33%; Cấp huyện, thị xã, thành phố: 72/480 đồng chí, đạt 15%.(tăng 3,1%); Cấp xã: 112/623 đồng chí, đạt 17,9% (tăng 2,5%).

Đặc biệt, tỉnh ta đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội: 2/6 đồng chí, đạt 33%  (tăng 16.34% so với nhiệm kỳ trước);  Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Cấp tỉnh: 13/50 đồng chí,  đạt 26% (tăng 3,6) đạt 106% chỉ tiêu;  Cấp huyện: 83/297 đồng chí, đạt 27,94%; tăng 14.64% so với nhiệm kỳ 2010-2015, đạt 112% kế hoạch; Cấp xã: 696/3.389 đồng chí, đạt 20,54%, tăng 4,84% so với nhiệm kỳ 2011-2016, đạt 103% kế hoạch.

Những nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ đội ngũ cán bộ nữ phấn đấu, rèn luyện, nâng cao nhận thức về lý tưởng cách mạng, năng lực, trình độ chuyên môn và thực tiễn công tác. Cụ thể:

Ngày 09/10/2013, Tỉnh ủy ban hành Công văn số 377-CV/TU yêu cầu cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện các chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác cán bộ nữ, đặc biệt là việc thực hiện “phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên”, “các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo nữ”; Quyết định số 1099 - QĐ/TU ngày 08/10/2013 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ luân chuyển, điều động, trong đó đưa ra quy định riêng đối với cán bộ nữ. Ngoài các chế độ hỗ trợ chung, cán bộ nữ khi thực hiện điều động, luân chuyển còn được hỗ trợ thêm 30% mức hỗ trợ chung theo quy định.

Ngày 31/5/2013, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND thông qua Đề án “một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013-2020”. Theo đề án, ngoài các chế độ được hỗ trợ theo quy định thì CBCC nữ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các khóa học từ một tháng trở lên được hỗ trợ thêm 0,2 mức lương tối thiểu chung/người/tháng; riêng CBCC nữ là người dân tộc thiểu số và cán bộ nữ cấp xã được hỗ trợ thêm 0,3 mức lương tối thiểu chung/người/tháng; CBCC nữ cấp xã là người dân tộc thiểu số ngoài khoản hỗ trợ này còn được hỗ trợ theo chính sách của Nghị quyết 06/2008/NQ-HĐND tỉnh; CBCC nữ trong thời gian đi học có con nhỏ dưới 24 tháng phải mang theo, được hỗ trợ thêm 0,3 mức lương tối thiểu chung/người/tháng…

Ngày 19/12/2016 UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 5395/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm thúc đẩy mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ để làm căn cứ đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong công tác quản lý, lãnh đạo: 100% nữ đại biểu dân cử, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp, nữ cán bộ trong diện quy hoạch (từ cấp phòng trở lên) được trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng quản lý, lãnh đạo, quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương đưa công tác quy hoạch cán bộ nữ vào chiến lược quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Nội vụ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị như: Nâng cao năng lực cho nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp và cán bộ nữ trong quy hoạch; tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách riêng đối với cán bộ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ.  Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh thực hiện đào tạo, sắp xếp sử dụng đề bạt bổ nhiệm cán bộ nữ trong các cấp, các ngành trên cơ sở kế hoạch quy hoạch hằng năm; tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa Bí thư Tỉnh ủy với  cán bộ nữ tỉnh Quảng Trị; Tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm về nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử, hàng năm tuyên truyền phổ biến cho hàng ngàn hội viên là cán bộ công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và cán bộ nữ trong diện quy hoạch, bổ nhiệm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tại các địa phương năm 2019

Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ở cả 3 cấp được nâng lên, phần lớn cán bộ nữ chủ chốt đương chức và trong quy hoạch của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, tỉnh đã và đang được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa các mặt. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo trình độ sau đại học, cao cấp, cử nhân lý luận chính trị. Hiện toàn tỉnh có 05/40 nữ Tiến sỹ (chiếm 12.5%); 276/690 nữ Thạc sỹ chiếm 40%. Cùng với đó, các sở, ngành, đoàn thể chính quyền đã chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu, tạo nguồn đào tạo và quy hoạch cán bộ nữ theo từng lĩnh vực cơ quan, địa phương…

Đến nay, toàn tỉnh có 11 nữ lãnh đạo thuộc Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 05 nữ lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và 95 nữ là lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở hoặc tương đương. Công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên nữ cũng được cấp ủy các cấp quan tâm. Riêng từ năm 2016 đến tháng 03/2020, trong tổng số 226.027 đảng viên mới được kết nạp thì có 83.692 đảng viên là nữ (chiếm 37.02%).

Còn nhiều khó khăn khi thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh ta hiện nay vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý còn chưa tương xứng với lực lượng, tiềm năng đóng góp của phụ nữ (Tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng, tỷ lệ nữ lãnh đạo thuộc sở, ban ngành; huyện, thị xã, thành phố; các phòng thuộc sở và tương đương mới đạt trên 50% kế hoạch đề ra) Cơ cấu cán bộ nữ phân bố không đều, số lượng cán bộ lãnh đạo khối quản lý nhà nước còn ít và cán bộ nữ chủ yếu là cấp phó ở các cơ quan Đảng, đoàn thể và lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ đảng viên nhận thức về công tác cán bộ nữ chưa sâu sắc. Việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đồng bộ. Những quan niệm về giới và sự chênh lệch trong nhận thức về tiêu chuẩn dành cho nữ giới và dành cho vai trò lãnh đạo ảnh hưởng đến khả năng nhìn nhận hiệu quả công việc của phụ nữ. Một số cán bộ nữ chưa thực sự phấn đấu vươn lên, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa vượt qua được những cản trở về gia đình, ngại phấn đấu vươn lên trong học tập và công tác quản lý cũng như những hoạt động xã hội, nên khó khăn cho công tác quy hoạch đào tạo, bố trí cán bộ.

Giải pháp để nâng cao vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị

Nhằm thúc đẩy hơn nữa công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026  trong thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp cụ thể:

Một là: Rà soát, sửa đổi những chính sách pháp luật phù hợp với nghị quyết của Đảng, Luật Bình đẳng giới và những hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ nữ.

Hai là: Xây dựng chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp (trong các bộ, ngành, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội). Đảm bảo sự thống nhất, liên thông trong chính sách, pháp luật về sự tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ từ Trung ương đến Địa phương.

Ba là: Các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, nâng cao chất lượng hoạt động Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp. Đối với các tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy và mỗi cấp ủy viên phải có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch, bảo đảm tỷ lệ nữ trong quy hoạch phải tương ứng với tỷ lệ nhân lực nữ và tỷ lệ đảng viên nữ trong cơ quan, đơn vị.

Bốn là: Việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ cũng phải tuân thủ cơ cấu tỷ lệ và chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ bảo đảm chất lượng, đi đôi với thực hiện các chính sách chăm lo, ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ nữ trong quá trình phấn đấu.

Năm là: Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt cho cán bộ và lãnh đạo các cấp nhằm xoá bỏ định kiến giới và phân biệt đối xử với phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; nâng cao nhận thức của nam giới trong việc đảm nhận nhiều hơn công việc gia đình để hỗ trợ phụ nữ theo đuổi sự nghiệp.Về lâu dài, cần tập trung tuyên truyền kiến thức về giới, về giới tính về bình đẳng giới, công bằng giới cho lực lượng học sinh THCS và THPT, các trường TC, CĐ trên địa bàn toàn tỉnh nhằm trang bị kiến thức, thay đổi suy nghĩ, nhận thức của  học sinh, sinh viên về bình đẳng giới để các em có nhận thức, có mục tiêu phấn đấu và cống hiến cho cộng đồng, xã hội trong tươi lai.

Sáu là: Quy định trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ nữ của ngành mình, cấp mình và trong thực hiện chỉ tiêu phụ nữ tham chính; thay đổi, đổi mới công tác bầu cử, tạo thuận lợi cho phụ nữ tham gia ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, HĐND, UBND các cấp.

Bảy là: Tuyên truyền, tạo điều kiện cho phụ nữ nang cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ trong quy hoạch, cán bộ nữ đang giữ các chức vụ để có điều kiện phấn đấu trưởng thành.

Tám là: Tăng cường thanh tra, kiểm tra chính sách, pháp luật về bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, bổ sung, hoàn thiện các chính sách vì sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường các hình thức khen thưởng và xử lý nghiêm các vi phạm chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và công tác tổ chức, cán bộ.

Chín là: Bản thân phụ nữ phải không ngừng nỗ lực, học hỏi, nắm bắt xu thế cũng như các cơ hội giáo dục, đào tạo, nghề nghiệp để vươn lên và phát huy tiềm năng của bản thân.

Với mục tiêu tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, trong thời gian tới cần tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ nữ góp phần nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc của gia đình và sự phát triển của xã hội,  thu hẹp dần khoảng cách về giới, từng bước thực hiện hoàn thành các mục tiêu bình đẳng giới của chính phủ đề ra.

                                                                                       Đào Nhung

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video