Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 13

Hôm nay: 329

Tổng lượt truy cập: 812.052

1. Các loại giấy tờ ghi nhận mắc bệnh hoặc mắc dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học để làm căn cứ xem xét lập hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nhận được một số ý kiến hỏi như sau: “Đề nghị cho biết giấy tờ ghi nhận mắc bệnh hoặc mắc dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học để làm căn cứ xem xét lập hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.

Nội dung này, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xin trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 54 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ thì một trong các giấy tờ ghi nhận mắc bệnh hoặc dị dạng, dị tật để làm căn cứ xem xét lập hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:

1) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an) theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

2) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án ngoại trú của Phòng khám Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo mẫu quy định của Bộ Y tế.

3) Giấy xác nhận dị dạng, dị tật bẩm sinh của các cơ sở y tế cấp xã trở lên đối với con đẻ chưa khám bệnh, chữa bệnh về các dị dạng, dị tật theo Mẫu số 39 Phụ lục I Nghị định này.

4) Giấy tờ do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ban hành được xác lập từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước ghi nhận mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên trong thời gian từ 1 đến 5 tuần sau phơi nhiễm đối với trường hợp mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính theo quy định tại Phụ lục V Nghị định 131/2021/NĐ-CP.

5) Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án của lần điều trị cuối cùng ghi nhận quá trình điều trị về bệnh rối loạn tâm thần liên tiếp trong 3 năm trở lên của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an) với các bệnh rối loạn tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học theo quy định tại khoản 15 Phụ lục V Nghị định 131/2021/NĐ-CP.

6) Giấy xác nhận người HĐKC có vợ hoặc có chồng nhưng không có con đẻ của Ủy ban nhân dân cấp xã./.

2. Hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục xác nhận người HĐKC có con đẻ bị dị dạng, dị tật đã được hưởng chế độ ưu đãi mà bố (mẹ) chưa được công nhận là người HĐKC bị nhiễm CĐHH?

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nhận được một số ý kiến hỏi như sau: “Đề nghị hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục xác nhận người HĐKC có con đẻ bị dị dạng, dị tật đã được hưởng chế độ ưu đãi mà bố (mẹ) chưa được công nhận là người HĐKC bị nhiễm CĐHH?”

Nội dung này, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xin trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 56 Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ thì trường hợp người hoạt động kháng chiến (HĐKC) có con đẻ bị dị dạng, dị tật đã được hưởng chế độ ưu đãi mà bố (mẹ) chưa được công nhận là người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) thì hồ sơ, thủ tục như sau:

1) Cá nhân lập bản khai (theo Mẫu số 09 Phụ lục 1 Nghị định 131/2021/NĐ-CP) gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú.

2) Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 5 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận bản khai và lập danh sách gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

3) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, đối chiếu dị dạng dị tật của con ghi trong các giấy tờ sau: văn bản của Trạm trưởng trạm y tế xã, trung tâm y tế hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện; biên bản họp và đề nghị của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã; giấy xác nhận tình trạng dị dạng, dị tật của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Biên bản giám định y khoa đang lưu trong hồ sơ với danh mục dị dạng, dị tật theo quy định tại Phụ lục V Nghị định 131.

Trường hợp hồ sơ có giấy tờ đúng quy định, tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ đúng theo danh mục theo quy định tại Mục III Phụ lục V Nghị định 131 thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Trường hợp còn vướng mắc về tình trạng dị dạng, dị tật của con đẻ: Nếu con đẻ còn sống thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh. Trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được giấy giới thiệu, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh ban hành biên bản giám định y khoa, kết luận có bị dị dạng, dị tật theo quy định tại Mục III Phụ lục V Nghị định này, không ghi tỷ lệ tổn thương cơ thể gửi đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản giám định y khoa thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét, nếu đủ điều kiện thì ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người HĐKC bị nhiễm CĐHH và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi./.

3. Thương binh, đồng thời là bệnh binh và là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì được hưởng trợ cấp ưu đãi của cả 3 đối tượng

 -------------

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội  nhận được ý kiến hỏi: “Tôi vừa là thương binh, đồng thời là bệnh binh và là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tôi có được hưởng trợ cấp ưu đãi của cả 3 đối tượng không?”

Nội dung này, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội xin trả lời như sau:

Khoản 2 Điều 58 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định: “Trường hợp đang hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh thì được hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, khoản 1, Điều 30, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp đang hưởng đồng thời trợ cấp thương binh và trợ cấp bệnh binh thì được hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học như sau:

- Nếu thuộc trường hợp mắc thêm bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên thì được khám giám định tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ bệnh binh để hưởng trợ cấp bệnh binh và trợ cấp thương binh.

- Nếu thuộc trường hợp vô sinh hoặc sinh con dị dạng, dị tật thì được hưởng trợ cấp thương binh, trợ cấp bệnh binh và trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% - 60%./.

Nguyễn Trí Thanh

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video