Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 43
Hôm nay: 564
Tổng lượt truy cập: 812.288
Quảng Trị: Thực hiện tốt công tác chính sách người có công với cách mạng
- Ngày đăng: 06-03-2024
- 205 lượt xem
Tỉnh Quảng Trị có trên 120.000 người có công với cách mạng đã được xác nhận (chiếm 18,46% dân số), trong đó: 2.855 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19.204 liệt sĩ; 12.128 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 3.089 bệnh binh, 14.364 người có công, 5.105 người tham gia hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học, 59.675 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến và hàng chục ngàn người có công với cách mạng khác được giải quyết trợ cấp ưu đãi. Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 16.875 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng, với tổng số tiền chi trả hơn 36,9 tỷ đồng/tháng.
Những năm qua, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Trị luôn xác định công tác chính sách người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đã chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng. Năm 2023, công tác chính sách người có công đã đạt được những kết quả nổi bật như:
Chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về chính sách người có công: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh -Truyền hình Quảng Trị tăng cường đưa tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tổ chức 12 hội nghị phổ biến pháp luật, đối thoại chính sách người có công, với 720 người có công tham dự. Các hoạt động phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản quy định pháp luật liên quan trên địa bàn tỉnh đã được các sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền, đưa tin phản ánh kịp thời, đầy đủ, góp phần sâu sắc trong nhận thức, ý nghĩa của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Kết quả thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công: Ngành Lao động- TB&XH tại địa phương đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết kịp thời 3.092 hồ sơ người có công với cách mạng (trong đó: 298 hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; 1.042 hồ sơ hưởng trợ cấp ưu đãi một lần; 1.662 hồ sơ khác). Trả lời 48 đơn thư của công dân hỏi về chính sách người có công. Thực hiện cấp 458 giấy báo tin mộ liệt sĩ theo đề nghị của thân nhân gia đình liệt sĩ; ban hành 56 quyết định xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc thực hiện chính sách trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần đối với người có công đảm bảo đúng, đủ và kịp thời.
Theo quy định hiện hành, người có công và thân nhân người có công được hưởng chính sách ưu đãi chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần và còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác như: bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức chức năng; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ giáo dục – đào tạo; hỗ trợ cải thiện về nhà ở; miễn, giảm tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất ở; ưu tiên giao hoặc thê đất, mặt nước; ưu tiên giao khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng; vay vốn để sản xuất, kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật. Về cơ bản, các chính sách ưu đãi người có công đã được thực hiện bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Kết quả: toàn tỉnh có 22.041 người có công và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; 6.113 lượt người có công được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, với kinh phí 10,2 tỷ đồng; 366 người có công được hưởng chế độ cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ đào tạo nghề cho 22 người có công thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; 13 đối tượng là con của người có công được hưởng chế độ ưu đãi hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; 18 hộ gia đình chính sách người có công được hưởng chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất ở khi nhà nước giao đất ở. Ngoài ra, người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh còn được hưởng chính sách miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.
Công tác Đền ơn đáp nghĩa, tặng quà lễ, tết cho người có công: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp ở tỉnh Quảng Trị năm 2023 huy động được 7.362 triệu đồng, đã hỗ trợ xây mới 70 nhà ở và sửa chữa 49 nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, với tổng kinh phí hỗ trợ 5.434 triệu đồng. Chương trình nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thực hiện với tình cảm và trách nhiệm sâu sắc, hiện nay toàn tỉnh có 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang còn sống đều được cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng (mức bình quân 01 triệu đồng/người/tháng) và có cuộc sống vật chất và tinh thần ổn định. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đã trao tặng quà 37.007 suất quà cho người có công và gia đình chính sách người có công, tổng kinh phí quà tặng là 13.894 triệu đồng; dịp Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023) đã tổ chức thăm hỏi, trao tặng 33.431 suất quà đến người có công với cách mạng, tổng kinh phí quà tặng là 12.647 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng trao danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho thân nhân các Bà mẹ VNAH vào ngày 26/01/2024”
Công tác quản lý, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ: Tỉnh Quảng Trị đã thay mặt Nhân dân cả nước chăm sóc hơn 55.000 phần mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước một cách chu đáo, thành kính trên tinh thần “Quảng Trị vì cả nước, cả nước vì Quảng Trị”. Công tác sữa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được chú trọng, thông qua nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh, của các địa phương trong và ngoài tỉnh, từ nguồn xã hội hóa với hàng chục tỷ đồng đã góp phần chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo trang nghiêm, thể hiện lòng tôn kính tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ. Hệ thống các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Quảng Trị luôn nhận được sự phối hợp tích cực, tình nghĩa và có trách nhiệm của các đơn vị quân đội, các tầng lớp nhân dân trong nước; và cả của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các bộ tộc Lào anh em. Năm 2023, tổ chức đón nhận, Lễ truy điệu và an táng 09 hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào mùa khô năm 2022-2023 về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9; tổ chức Lễ truy điệu, an táng 45 hài cốt các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong nước về tại các nghĩa trang các huyện, xã. Xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức lấy 114 mẫu ADN để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
(Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dâng hương tại Lễ truy điệu các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 vào ngày 18/5/2023)
Tối ngày 25/7/2023, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Trị phối hợp Hội đồng hương Quảng Trị tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công tốt đẹp Chương trình truyền hình trực tiếp “Nghĩa tình tháng 7- Hoa dâng mộ Liệt sĩ" tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, khởi động Cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Hoa dâng Liệt sĩ”. Tính đến ngày 30/12/2023, Quỹ “Hoa dâng mộ Liệt sĩ” đã vận động được hơn 3,2 tỷ đồng.
(Các đoàn viên thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc Trường Sơn vào tối ngày 25/7/2023)
Công tác quản lý tài chính ưu đãi người có công: thông qua các chương trình phần mềm quản lý, công tác quản lý đối tượng ngày càng chặt chẽ, việc thực hiện chế độ đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời, hạn chế sai sót, thất thoát ngân sách trong lĩnh vực người có công. Hiện nay, Sở Lao động- TB&XH đang phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai phương thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh thông qua chuyển vào tài khoản của đối tượng người có công với cách mạng.
Nhìn chung, năm 2023 đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó: công tác xác nhận, thực hiện chế độ đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công; công tác mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ được thực hiện tốt, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng; phong trào Đền ơn đáp nghĩa được thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả. Cùng với việc thực hiện đúng đủ, kịp thời và thuận tiện các khoản trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng, các ngành, các cấp địa phương trong tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, ưu tiên người có công và thân nhân như: giúp đỡ để thương binh, bệnh binh nặng và gia đình có việc làm phù hợp; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình đã góp phần ổn định cuộc sống. Các phong trào tình nghĩa ở tỉnh Quảng Trị đã và đang được đẩy mạnh trong toàn dân, trở thành một hoạt động chính trị - xã hội rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao. Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp ở tỉnh Quảng Trị đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác người có công với cách mạng. Nhờ vậy, nhiều người có công và gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn được quan tâm, động viên kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây cũng chính là động lực để người có công và gia đình người có công khắc phục khó khăn về điều kiện kinh tế, sức khỏe; luôn phát huy tinh thần cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi việc, góp phần đáng kể vào xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn như: việc xác lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với một số trường hợp không còn đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định, nên chưa đủ điều kiện để xác lập hồ sơ xác nhận đối tượng người có công; người có công còn nhiều trường hợp có thông tin (tên tuổi, ngày tháng năm sinh) giữa chứng minh thư/căn cước công dân và giấy tờ theo hồ sơ người có công đang lưu trữ chưa trùng khớp nhau nên việc giải quyết chế độ, chính sách trợ cấp còn gặp khó khăn do phải thực hiện thủ tục đính chính thông tin hồ sơ theo quy định; việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ ở một số xã vùng dân tộc thiểu số miền núi chưa kịp thời, nguyên nhân chủ yếu là do thân nhân và gia đình liệt sĩ chưa xác lập ủy quyền đúng theo quy định, hồ sơ liệt sĩ không đầy đủ thân nhân như anh, chị em cần phải bổ sung, đính chính.
Những hạn chế, khó khăn trên do nhiều nguyên nhân, trong đó do quy định một số thủ tục hành chính về chế độ, chính sách người có công với cách mạng có sự thay đổi và quy định chặt chẽ hơn trước; đội ngũ cán bộ làm công tác lao động- thương binh và xã hội ở một số xã, phường, thị trấn thiếu ổn định và năng lực chuyên môn còn hạn chế.
Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh. Với tình cảm, sự tri ân và tinh thần, ý thức trách nhiệm cao nhất, do đó các cấp, các ngành cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và thân nhân người có công, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Đẩy mạnh tuyên truyền truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các cấp, các ngành và toàn xã hội để nâng cao nhận thức sâu sắc, trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Ưu tiên đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án về đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo và các chính sách xã hội khác ở địa phương.
- Tăng cường các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ thiết thực về vật chất và tinh thần đối với người có công, nhất là gia đình chính sách người có công đang còn gặp hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, cần coi trọng việc động viên, phát triển sâu rộng các phong trào, hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở cơ sở, cộng đồng dân cư với các hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả; phát triển mạnh việc xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp trong tỉnh.
- Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công với cách mạng. Kiến nghị với cơ quan nhà nước các cấp kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công được thực hiện đúng, đủ, kịp thời và công bằng.
- Thường xuyên tổng kết, sơ kết đánh giá kết quả thực hiện công tác chăm sóc người có công cách mạng và phong trào đền ơn đáp nghĩa, để kịp thời khen thưởng các điển hình tiêu biểu người có công và thân nhân người có công với cách mạng, gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng./.
Nguyễn Trí Thanh
- Một số giải pháp đổi mới công tác tuyên truyên truyền, vận động người có công với cách mạng tham gia điều dưỡng tập trung (26/02/2024)
- Đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 nhân dịp đầu năm mới, Xuân Giáp Thìn 2024 (16/02/2024)
- Quà tặng của Chủ tịch nước đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (05/02/2024)
- Điều chỉnh trợ cấp hằng tháng kể từ ngày 01/7/2023 đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng (12/12/2023)
- Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ đã bổ sung đối tượng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vào nhóm được cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) do ngân sách Nhà nước đóng (07/11/2023)
- Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (21/08/2023)
- Quy chế Quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (08/08/2023)
- Nâng chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng lên thành 2.055.000 đồng (04/08/2023)
- Tỉnh Quảng Trị triển khai các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) (10/07/2023)
- Quà tặng của Chủ tịch nước đối với người có công với cách mạng, nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023) (04/07/2023)