Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 23039
Tổng lượt truy cập: 789.099
Nhìn lại 5 năm thực hiện công tác bình đẳng giới tại tỉnh Quảng Trị
- Ngày đăng: 14-09-2022
- 222 lượt xem
Quảng Trị là tỉnh thuộc vùng duyên hải miền trung; có diện tích tự nhiên474.699,11ha; dân số 616.670 người, trong đó phụ nữ 313.413 người, chiếm 50,82%. So với mặt bằng chung của cả nước, Quảng Trị còn đứng trước nhiều khó khăn và thách thức lớn; thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận đồng bào vùng nông thôn, dân tộc miền núi gặp nhiều khó khăn, tình trạng tảo hôn gia tăng, tình trạng bạo hành gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức phức tạp, các định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, nhận thức về bình đẳng giới còn mơ hồ trong nhân dân và trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức…Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN).
Vượt qua khó khăn trên, 5 năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành nên công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó cũng là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động số 1347/KH-UBND ngày 06/10/2011 về thực hiện bình đẳng giới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2011-2015.
Trước hết là các hoạt động tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị: Để làm được điều này, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường công tác cán bộ nữ, đặc biệt là phấn đấu đến năm 2020. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút và tạo nguồn cán bộ có chất lượng, trong đó có chính sách đối với cán bộ nữ. Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 16.66% (1/6); tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng: Cấp tỉnh 11.32% (tăng 2,22%), trong đó nữ tham gia Ban Thường vụ đạt 13,33%; cấp huyện 15% (tăng 3,1%); cấp xã 17,9% (tăng 2,5% ). Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp cũng tăng so với các năm trước: Cấp tỉnh đạt 26% (tăng 3,6); cấp huyện 14,66%, cấp xã 16,04% Tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020: Cấp tỉnh tăng 4,4%, cấp huyện tăng 2,3%, cấp xã tăng hơn 10% so với nhiệm kỳ 2010- 2015;
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều hoạt động làm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế - lao động: Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn với các nguồn lực kinh tế và thị trường lao động, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Kết quả sau 5 năm, tổng số người được tạo việc làm mới có ít nhất 48,46% là lao động nữ; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 47,36%; tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của nhà nước khoảng 45,15%. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ giúp chị em phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số được vay vốn từ các nguồn ưu đãi từ các chương trình, chính sách việc làm và giảm nghèo. Tính đến ngày 30/11/2015, tỷ lệ phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi đạt 85,43% (tổng số tiền 445.979,33 tỷ đồng); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị đối với lao động nữ giảm xuống dưới 5%
Trong lĩnh vực gia đình: Tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, Luật bình đẳng giới. Trong đó đẩy mạnh việc thực hiện đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” tại nhiều thôn, bản; các mô hình tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam, mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là câu lạc bộ PCBLGĐ ở xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh), xã Hải Thượng (Hải Lăng); xã Tà Long, huyện Đakrông; 5 xã của huyện Triệu Phong.
(Giao ban mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới tại xã tà Long)
Toàn tỉnh đã thành lập được 950 tổ tư vấn hòa giải và xây dựng 343 địa chỉ tin cậy tại công đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực; tổ chức các đợt khảo sát tình trạng bạo lực gia đình tại 141/141 xã, phường, thị trấn. Qua khảo sát cho thấy, vấn nạn bạo lực trong gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp tuy nhiên so với những năm trước đã giảm rỏ rệt. Số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa không ngừng tăng lên đạt 91%. Những thành quả đó đã góp phần xây dựng gia đình “ấm no, tiến bộ, hạnh phúc”.
(Tập huấn nghiệp vụ bình đẳng giới cho các Sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh)
Ngoài ra, việc thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa - thông tin cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ phổ cập biết chữ cho phụ nữ từ 15-40 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đạt 98%; tỷ lệ trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh được học tiểu học và THCS đạt khoảng 98% và 100% giáo viên nữ công tác ở các vùng này đều được bố trí nhà ở công vụ; tỷ lệ nữ có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ đạt 26,18%; Tỷ lệ giới tính khi sinh 109 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (năm 2015), vượt 103,67% kế hoạch; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản 23,2/100.000 trẻ đẻ; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần trở lên đạt 95%; tỷ lệ phá thai dưới 25/100 trẻ đẻ sống: 2,6%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ nhiểm HIV sang con đạt 100%; thời lượng phát sóng các chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền về bình đẳng giới cũng được tăng lên. Đã tổ chức phát sóng 30 chuyên mục bình đẳng giới trên Đài PTTH tỉnh, 54 chuyên mục bình đẳng giới trên Báo Quảng trị và nhiều tin bài trên trang thông tin điện tử của các đơn vị; phát hành hơn 5000 tờ rơi tờ gấp, 110 tờ áp phích và cấp phát gần 1.500 sổ tay tuyên truyền về công tác bình đẳng giới tại các huyện, thị trên địa bàn; 100% đài phát thanh cấp tỉnh và huyện, truyền hình, Báo Quảng Trị có chuyên mục BĐG
Với những kết quả đó, nhận thức cũng như việc nhìn nhận, đánh giá và chỉ đạo thực hiện về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi cơ bản; việc nhìn nhận về vai trò của nam và nữ trên các linh vực của đời sống, xã hội đã khách quan và công bằng hơn. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nữ tham gia trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệu kỳ trước; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của chị em từng bước được cải thiện.
Thúy Nhung