Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 66

Tổng lượt truy cập: 683.510

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, đuối nước trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp. Theo thống kê từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 16 trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó: xâm hại tình dục chiếm 68,75% (11 vụ) , Bạo lực: 04 vụ (giết người 03; cố ý gây thương tích 01), Các hình thức gây tổn hại khác (cướp tài sản): 01 vụ.  Đây mới chỉ là những trường hợp nổi cộm được cơ quan chức năng vào cuộc truy cứu trách nhiệm, vẫn còn đó trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục nhưng chưa được phát hiện, hoặc gia đình nạn nhân dấu diếm không muốn tố giác, nói cách khác các vụ được tố cáo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, với mục tiêu xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, kịp thời có các biện pháp hỗ trợ, can thiệp khi trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, trong 2 ngày 19-20/3/2024, tại khách sạn Công đoàn, thành phố Đông Hà. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Cục trẻ em và tổ chức Plan tại Quảng Trị tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường năng lực hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng.

Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Nguyên Hồng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, đại biểu đến từ Tổng đài điện thoại Quốc gia 111 (Cục trẻ em), đại diện tổ chức Plan tại Quảng Trị và cán bộ làm công tác trẻ em của một số ngành liên quan cấp tỉnh, cấp huyện, Ban bảo vệ trẻ em cấp xã thuộc 15 xã trong vùng dự án của huyện Hướng Hoá và Đakrông.

Đồng chí Lê Nguyên Hồng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Lao động- TB&XH phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Nguyên Hồng đánh giá cao kết quả đạt được về công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, thử thách như đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đông, trẻ em tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, bạo lực học đường, kết hôn ở trẻ em, trẻ em bị bạo lực, xâm hại…vẫn còn diễn ra. Đồng chí nhấn mạnh: đối tượng trẻ em bị xâm hại rất đa dạng, gồm cả người quen, người thân, người xa lạ với trẻ và không chỉ là trẻ em gái mà tất cả các trẻ em đều có nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại, vẫn còn đó một số em nhỏ đang phải sống trong môi trường mất an toàn, và nguy cơ các em bị bạo lực, xâm hại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy thời gian tới, để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày càng đạt hiệu quả, đồng chí đề nghị các thành viên trong Ban điều hành trẻ em các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ cần phát huy hết vai trò trách nhiệm có những chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn nhằm thực hiện tốt hơn nữa và và triển khai có hiệu quả về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại đơn vị, địa phương.

  

Toàn cảnh hội nghị tập huấn tăng cường năng lực hệ thống bảo vệ

trẻ em tại cộng đồng

Bằng phương pháp đóng vai với những câu hỏi tình huống giả định, ban tổ chức đã chuyển tải đến các đại biểu những kiến thức cơ bản về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cách nhận biết nguy cơ, quy trình can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp và chuyển tuyến. Phương pháp này đã tạo sự hứng khởi cho các đại biểu tham gia, đồng thời giúp các đại biểu có thể trình bày những suy nghĩ, cảm nhận và ứng xử theo một vai giả định trong quy trình can thiệp hỗ trợ nạn nhân, giúp cán bộ làm công tác trẻ em, nhất là Ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã không gặp phải khó khăn, lúng túng trong việc phối hợp can thiệp, hỗ trợ, chuyển tuyến nếu địa phương có xảy ra vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

 

Các đại biểu tham gia xử lý tình huống tại lớp tập huấn

Sau khoá tập huấn, các đại biểu tham dự được bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như: cũng cố nhận biết được các hình thức xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục, quấy rối tình dục trẻ em và tác động của xâm hại; Nắm được quy trình can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục; Nhận diện các dấu hiệu trẻ em bị xâm hại; Nâng cao kỹ năng phát hiện sàng lọc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, lên kế hoạch can thiệp hỗ trợ liên ngành và sơ cấp cứu ban đầu, chuyển tuyến… góp phần thực hiện hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong xây dựng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chăm sóc, bảo vệ trẻ em gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương.

Thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt là hướng tới đối tượng trẻ em, học sinh, phụ huynh về phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Trẻ em và các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em./.

Trần Thanh Tâm

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video