Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 23303

Tổng lượt truy cập: 789.363

Tai nạn thương tích là vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng có chiều hướng gia tăng, vấn đề đáng lo ngại được đặt ra là những trường hợp bị tai nạn thương tích mặc dù không dẫn đến tử vong, nhưng phải điều trị, chăm sóc lâu dài và đây chính là gánh nặng khổng lồ mà hệ thống y tế cũng như các gia đình, cộng đồng và xã hội đang phải gánh chịu.

       Những năm qua, công tác thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn được các ngành, các cấp quan tâm, đặc biệt là việc phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ đã được cảnh báo thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây tai nạn thương tích ở trẻ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần các em.

        Theo số liệu thống kê báo cáo từ năm 2016 đến nay, tổng số trẻ em bị tai nạn thương tích do nhiều nguyên nhân khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 1.514  em, trong đó số trẻ em tử vong là 71 em. Số trẻ em tử vong do đuối nước, tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ lớn.

      Thực hiện Quyết định 234/QĐ - TTg ngày 05/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình  phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Công văn số 1666/UBND-VX ngày 11/5/2016 về việc Tăng cường thực hiện phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và ban hành Kế hoạch 3240/KH-UBND ngày 15/8/2016 của UBND tỉnh về việc Thực thiện chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 -2020.

        Trên cơ sở Kế hoạch số 3240/KH-UBND của UBND tỉnh, các Sở, ngành cấp tỉnh và địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai thực thiện có hiệu quả chương trình phòng chống tai nạn thương tích trên địa bàn.

          Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động lồng ghép các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tại nạn thương tích với việc thực hiện Chương trình Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em hàng năm, nhất là vào thời gian triển khai Tháng hành động vì trẻ em (từ 01/6 – 30/6). Thông qua “ Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em” hàng năm, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố tổ chức ký cam kết các điều khoản hỗ trợ chăm sóc cho trẻ em nói chung và phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ em nói riêng. Ngoài ra, cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên các cấp, các trưởng thôn, bí thư chi bộ, đoàn thể cấp thôn và các hộ dân, tổ chức các buổi tuyền thông trực tiếp tại trường học về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và trường học an toàn, cho học sinh tiểu học và THCS và các hộ dân.

          Công tác xây dựng và vận hành hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em được tổ chức theo định kỳ tại các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em là một trong 15 tiêu chí được đánh giá để đạt xã phường phù hợp với trẻ em.

Đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành và các địa phương ký cam kết

thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em” tại Lễ phát động Tháng hành động năm 2018

         Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành liên quan để tổ chức một số hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi lành mạnh bổ ích, tăng cường công tác quản lý nhằm ngăn ngừa, phòng chống tai nạn thương tích, các tệ nạn xã hội xảy ra đối với các em trong dịp hè được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Đặc biệt được sự đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức dự án nước ngoài như: Tầm nhìn Thế giới, Plan… trên địa bàn tỉnh và đã tổ chức được nhiều lớp phổ cập dạy bơi cho trẻ, các lớp học rèn kỹ năng sống cho học sinh, phần lớn học sinh là con em vùng nông thôn, vùng gần sông suối nên rèn luyện kỹ năng bơi lội được ưu tiên nhất. Tập trung vào công tác truyền thông, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: Thiết kế lắp đặt Pano, áp phích tại các điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích và đuối nước trên địa bàn tỉnh với hình thức và nội dung phong phú nhằm gây sự chú ý của cộng đồng dân cư nhất là sự chú ý của trẻ em, học sinh.

      Chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn thanh niên để quản lý các em trong mùa hè tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.

          Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã tiến hành chỉ đạo củng cố, phát triển mạng lưới và năng lực sơ cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng và chăm sóc chấn thương thiết yếu tại các cơ sở y tế: Mạng lưới Y tế cơ sở bao phủ 100% các địa phương, 100% thôn bản có cộng tác viên là nhân viên y tế thôn, bản được đào tạo cơ bản, 100% trạm y tế xã đảm bảo trực 24/24 luôn đáp ứng được yêu cầu sơ cấp cứu...Hàng năm, tất cả cộng tác viên được đào tạo lại ít nhất là 01 lượt về các kỹ năng truyền thông phòng chống tai nạn thương tích đáp ứng được nhu cầu tuyên truyền đến hộ gia đình, được bồi dưỡng về công tác thu thập thông tin, báo cáo định kỳ theo yêu cầu.

          Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo việc tăng cường nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Ngành về phòng, tránh tai nạn đuối nước học sinh thông qua các buổi sinh hoạt lớp, các hoạt động ngoài giờ lên lớp để hướng dẫn học sinh kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước; khuyến cáo học sinh không chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông suối, hố công trình, những nơi có biển báo nguy hiểm; yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các bậc phụ huynh tăng cường quản lý con em trong thời gian nghỉ hè, khuyến khích phụ huynh cho con em tham gia các lớp học bơi, các hoạt động do địa phương, nhà trường tổ chức trong dịp nghỉ hè. Phối hợp với cơ sở Đoàn, Đội tại địa phương tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh, tạo nhiều sân chơi cho học sinh tham gia; phối hợp hướng dẫn học sinh tham gia các lớp học bơi, các khóa giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích học đường….

        Hàng năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền phù hợp với lứa tuổi học sinh, thanh thiếu nhi như: Phối hợp với chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức, nhà trường để đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và công tác phòng, chống tai nạn thương tích do tai nạn giao thông gây ra; tuyên truyền kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông, việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em khi tham gia giao thông, các hành vi, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông đối với trẻ em; tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng áo phao, dụng cụ nổi, phương tiện cứu sinh khi tham gia giao thông hoặc hoạt động vui chơi, giải trí trên đường thủy; tập trung vào các đối tượng là giáo viên, phụ huynh, học sinh tham gia giao thông để đi học, vui chơi, hoạt động của trẻ em trong nhà trường trước cổng trường trong giờ đưa, đón học sinh... nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước đối với trẻ em.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương đã cùng vào cuộc thực hiện hiệu quả chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích được giảm thiểu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác này vẫn còn gặp nhiều tồn tại, khó khăn.

        Kinh phí từ ngân sách hỗ trợ cho việc thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg còn quá ít nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Ban chỉ đạo các xã chưa thực sự tích cực vận động cộng đồng tham gia, công tác truyền thông đến hộ gia đình còn có nhiều bất cập, chưa bố trí kinh phí cho các hoạt động giám sát, đánh giá. Nhận thức của một bộ phận người dân trong công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em còn hạn chế, đặc biệt trong việc chấp hành luật giao thông đường bộ (sử dụng bia rượu trong khi đang điều khiển phương tiện giao thông)…Đối với khu vực nông thôn, nhiều khuyến cáo về phòng, tránh TNTT đối với trẻ em nhất là tình trạng đuối nước vẫn chưa được các bậc phụ huynh quan tâm kịp thời. Trong khi đó, đa số các bể bơi, khóa học về bơi lội chủ yếu tập trung tại thành thị, trẻ em nông thôn khó tiếp cận. Thiếu sự quan tâm của gia đình, thiếu kỹ năng bảo vệ mình khi tiếp xúc với sông nước nên nguy cơ đuối nước đối với trẻ em nông thôn rất cao.

Để thực hiện tốt hơn chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hàng năm cho công tác Phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là học bơi lội và học các kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư xây dựng bể bơi, dạy bơi cho học sinh nhằm hạn chế tình trạng trẻ em, học sinh bị đuối nước.

          Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho học sinh; Xây dựng, cung cấp tài liệu, triển khai chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em; Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng bơi lội cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức để tổ chức tập huấn cho các em.

         Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn; lắp đặt các biển báo nguy hiểm, xây dựng tường rào tại các trường học, cải tạo hệ thống điện trong các hộ gia đình.

          Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ.

         Đẩy mạnh thực hiện việc kiểm tra, rà soát tất cả các bể bơi, hồ, sông suối; cắm biển báo cấm, biển báo nguy hiểm tại các khu vực sông, suối. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ và đường thủy, phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em tại cơ sở, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

                                                                                                         Ái Loan

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video