Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 6
Hôm nay: 170
Tổng lượt truy cập: 812.597
Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Ngày đăng: 28-03-2022
- 264 lượt xem
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm là những chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp ở địa phương. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, dự án và chính sách để thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, trong đó chính sách nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trong gần 16 năm qua (2002-2018) thực hiện các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đạt doanh số cho vay là 4.889 tỷ đồng, bình quân đạt 325,9 tỷ đồng/năm, với 302 nghìn lượt hộ được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 416.228 triệu đồng, gấp 80 lần so với ngày đầu thành lập. Đến nay, dư nợ đạt 2.280,5 tỷ đồng, tăng so với thời điểm mới thành lập là 2.166,8 tỷ đồng (tăng gấp 20 lần), với 2.007 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, phủ kín tại 141 xã, phường, thị trấn; 1.093 thôn, bản, khu phố; gần 70 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ vay vốn. Trong đó: giải quyết cho vay vốn ưu đãi cho trên 116 nghìn lượt hộ nghèo; 39 nghìn lượt hộ cận nghèo, 06 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo; trên 21 nghìn lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn, 05 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở; 34 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học; 19 nghìn lượt hộ vay vốn để thu hút, tạo thêm việc làm mới; 61 nghìn lượt hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 01 nghìn lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Đây là những con số chứng minh cho tính hiệu quả và tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo bền vững (bình quân mỗi năm có hơn 2.500 hộ thoát nghèo, trong đó có khoảng 80% số hộ thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh); nguồn vốn vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên đã hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính; nhiều hộ gia đình vay vốn để xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh; hộ nghèo vay vốn để xây dựng nhà ở ổn định, khang trang hơn. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh, cho con em học tập, học nghề, xuất khẩu lao động, cho vay giải quyết việc làm là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm dần qua các năm theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 28,4% (năm 2001) xuống còn 12% (năm 2005); giảm từ 24,4% (năm 2006) xuống còn 10% (năm 2010); giảm từ 19,7% (năm 2011) xuống còn 6,9% (năm 2015). Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đầu năm 2016 là 15,43% giảm xuống còn 11,52% đầu năm 2018. Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh qua các giai đoạn đều đạt chỉ tiêu đề ra. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi để giải quyết việc làm cũng đã góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh, số lao động được tạo việc làm đã tăng dần qua các năm: từ 6.304 lao động (năm 2002) lên 8.500 lao động (năm 2010) và trên 10.000 lao động (năm 2017).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, hạn chế như:
- Đôi lúc, đôi nơi còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỷ thuật, hướng dẫn cách làm ăn. Điều này làm cho một số hộ vay gặp không ít khó khăn, sử dụng nguốn vốn tín dụng ưu đãi chưa hiệu quả.
- Một bộ phận hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động trong sử dụng nguồn vốn vay, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Nguyên nhân là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chưa biết lập kế hoạch thực hiện sử dụng vốn vay, chưa tận dụng các cơ hội trong đầu tư sản xuất, kinh doanh nên họ chưa mạnh dạn vay vốn. Bên cạnh đó, việc phát triển sản xuất ở vùng sâu, vùng xa còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, hàng hoá làm ra không tiêu thụ được, ở một vài nơi giao thông đi lại còn khó khăn, nhất là vào mùa mưa, bão nên bà con làm ra sản phẩm nhưng giá bán không cao, không ổn định. Đây là nguyên nhân khiến cho các hộ vay vốn không có khả năng trả nợ đúng hạn, dẫn đến nợ quá hạn, hiệu quả sử dụng vốn vay còn thấp.
Trong những năm tới, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 1,5-2,0%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (riêng huyện nghèo Đakrông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ giảm trên 4%/năm); giải quyết việc làm cho 9.500 lao động/năm. Chúng tôi đề xuất cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và người dân hiểu rõ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong việc thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Từ đó, hộ nghèo và các đối tượng thụ hưởng có ý thức, trách nhiệm trong vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả hơn.
Hai là, nắm chắc nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng theo quy định để chủ động trong việc đáp ứng vốn vay cho họ; tạo điều kiện cho người nghèo và các hộ chính sách khác tiếp cận đầy đủ và dễ dàng nguồn vốn vay; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các đối tượng.
Ba là, cần có sự phối, kết hợp giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với các Trung tâm khuyến nông- lâm- ngư để triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình phát triển kinh tế như: mô hình trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu; mô hình chăn nuôi gia cầm, gia súc. Kịp thời động viên, nêu gương điển hình các hộ nghèo vay vốn làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay vốn ưu đãi nhằm bảo đảm vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng có hiệu quả. Thường xuyên công khai, minh bạch các đối tượng được thụ hưởng và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi dưới nhiều hình thức (như: qua phương tiện thông tin đại chúng, họp dân hoặc có thể niêm yết tại các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn) để người dân biết, người dân tham gia đôn đốc và giúp đỡ các đối tượng vay vốn vay ưu đãi sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả./.
Nguyễn Trí Thanh
- Hệ thống các văn bản chính sách giảm nghèo giai đoạn 2014-2018 (tính đến 30/5/2018) (28/03/2022)
- Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2017 (28/03/2022)
- Tỉnh Quảng Trị có 12 xã và huyện đảo Cồn Cỏ được công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, giai đoạn 2016 - 2020. (28/03/2022)
- Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (28/03/2022)
- Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể "Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020". (28/03/2022)
- Tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (28/03/2022)