Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 7
Hôm nay: 172
Tổng lượt truy cập: 800.796
Một số kết quả đạt được và những nhiệm vụ trọng tâm về hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Ngày đăng: 09-07-2022
- 198 lượt xem
Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các Sở, ban ngành chức năng liên quan với các tổ chức đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức quốc tế và sự nhận thức đúng đắn của cộng đồng đối với người khuyết tật, do đó các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thu được một số kết quả quan trọng trên các mặt như: chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng; trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, nuôi dưỡng ở các trung tâm; hỗ trợ học văn hoá, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật và nhiều hoạt động khác:
Chính sách hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật: Lồng ghép khám sàng lọc phát hiện sớm các dạng khuyết tật bẩm sinh và quản lý can thiệp sớm các khuyết tật khi đã phát hiện. Khám, phục hồi chức năng cho người khuyết tật khi tiếp cận với các dịch vụ y tế; 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định và được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới mọi hình thức khác nhau; 22 người khuyết tật được phẩu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp các dụng cụ trợ giúp phù hợp; số người khuyết tật được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú đạt 98%; 789 lượt người khuyết tật được hướng dẫn PHCNDVCĐ; 141/141 xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã phân công nhân viên y tế chuyên trách PHCNDVCĐ. Tổ chức Renew tài trợ xây dựng Phòng Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đakhoa tỉnh và phối hợp với Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cấp 174 dụng cụ chỉnh hình, 33 xe lăn cho người khuyết tật.
Chính sách bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật: Tính đến ngày 30/3/2019, toàn tỉnh có 15.021 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (trong đó: 3.498 người khuyết tật đặc biệt nặng; 11.523 người khuyết tật nặng). Các chế độ trợ cấp xã hội cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện công khai, minh bạch, đầy đủ kịp thời, đúng đối tượng. Số liệu, thông tin về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ trên hồ sơ lưu trữ và hệ thống dữ liệu kết nối internet trên máy tính. Năm 2018, Tổ chức Medipecea – Hàn Quốc hỗ trợ kinh phí điều tra và cập nhật thông tin bổ sung thêm 7.258 người khuyết tật, nâng tổng số người khuyết tật của toàn tỉnh đến nay đã được điều tra, cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý là 23.584 người khuyết tật. Việc quản lý dữ liệu về người khuyết tật trên phần mềm đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và thực hiện chính sách đối với người khuyết tật đạt hiệu quả.
Chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo đối với người khuyết tật: Chỉ đạo, hướng dẫn các trường học quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khuyết tật được hòa nhập cộng đồng. Việc tổ chức giảng dạy, giáo dục trên cơ sở xác định khả năng, nhu cầu của từng học sinh, tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật được tham gia các hoạt động của lớp.Tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức giáo dục hòa nhập là 45,6%. Toàn tỉnh có 939 học sinh là khuyết tật được tham gia giáo dục hòa nhập cộng đồng (trong đó: 173 trẻ khuyết tật đi nhà trẻ, mẫu giáo; 557 trẻ em khuyết tật học cấp tiểu học; 167 học sinh khuyết tật học cấp trung học cơ sở; 42 học sinh khuyết tật học cấp trung học phổ thông); 125 trẻ khuyết tật học trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt.
Chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật về đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm: Năm 2018, đã tổ chức đào tạo nghề cho 78 người khuyết tật (trong đó có 68 người khuyết tật có việc làm sau đào tạo nghề) và thông qua các cơ sở sản xuất của Hội người mù các cấp đã tạo việc làm thường xuyên cho 179 người khuyết tật là hội viên hội người mù. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng chỉ có một số ít cơ sở sản xuất kinh doanh, nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn những người khuyết tật có việc làm đều không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm. Rất ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Nguyên nhân là do bản thân người khuyết tật chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, đồng thời do tính chất sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc bố trí việc làm phù hợp với sức khoẻ, đặc điểm của người khuyết tật.
Chính sách hỗ trợ người khuyết tật về trợ giúp pháp lý: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người thực hiện thông qua các hình thức như: tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý, tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật tại trụ sở và ngoài trụ sở, tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật, đại diện ngoài tố tụng cho người khuyết tật. Việc tăng cường các hình thức trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật nắm bắt được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Năm 2018, có 587 lượt người khuyết tật được trợ giúp pháp lý. Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật ngoài trụ sở cho 142 vụ việc; tư vấn tại trụ sở: 23 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng: 01 vụ việc. Tất cả những yêu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều được hướng dẫn, tư vấn pháp luật rõ ràng, cụ thể. Vụ việc đại diện ngoài tố tụng cho đối tượng người khuyết tật cũng đã đạt kết quả tốt, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.
Chính sách hỗ trợ người khuyết tật Văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch: Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh xây dựng kế hoạch để tổ chức Giải Thể thao Người khuyết tật toàn tỉnh và tập huấn đoàn vận động viên tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Duy trì tổ chức thường xuyên 05/15 môn thể thao, gồm: Điền kinh, Bơi lội, Bóng bàn, Cầu lông và Cử tạ. Tuy nhiên, do số lượng vận động viên đăng ký tham dự Giải Thể thao người khuyết tật tỉnh năm 2018 của các đơn vị còn quá ít, không đảm bảo về quy mô để tổ chức một giải thi đấu thể thao cấp tỉnh. Vì vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định không tổ chức Giải Thể thao người khuyết tật tỉnh Quảng Trị năm 2018. Đoàn Thể thao người khuyết tật Quảng Trị tham gia Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, với 23 vận động viên tranh tài ở 03 môn: Điền kinh, bơi lội và cử tạ. Tại Hội thi lần này, Đoàn Thể thao người khuyết tật Quảng Trị đã thi đấu xuất sắc giành được 28 huy chương các loại (9HCV, 13HCB, 6HCĐ) xếp vị trí thứ 4 toàn quốc.
Chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các công trình xây dựng: Theo số liệu của Sở Xây dựng, tính đến nay (tháng 12/2018) trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ 70% trụ sở các cơ quan nhà nước cấp tỉnh đảm bảo tiếp cận đối với NKT; 60% trụ sở các cơ quan nhà nước cấp huyện đảm bảo tiếp cận đối với NKT; tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 100%; tỷ lệ công trình văn hóa tuyến tỉnh đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 100%; tỷ lệ công trình thể thao tuyến tỉnh đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 100%; tỷ lệ cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 50%; tỷ lệ cơ sở đào tạo nghề đảm bảo tiếp cận đối với NKT là 50%. Nhìn chung, trong thời gian gần đây khi triển khai xây dựng hoặc cải tạo các công trình công cộng, các chủ đầu tư đều lưu ý việc đảm bảo tiếp cận của người khuyết tật khi đưa vào sử dụng.
Chính sách hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giao thông công cộng: Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt quy hoạch phát triển ngành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đưa vào khai thác 03 tuyến xe buýt nội tỉnh có lộ trình hoạt động đi qua địa bàn 7/10 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách nói chung và người khuyết tật nói riêng; các xe buýt đều có chính sách hỗ trợ giá vé cho người khuyết tật khi tham gia giao thông. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị vận tải, các bến xe, bến thuyền, nhà ga áp dụng chính sách ưu tiên cho người khuyết tật khi tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT ngày 24/9/2012 của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng. Có hình thức giảm giá vé cho hành khách là người khuyết tật khi đi xe với mức giảm 20-30% so với giá vé thông thường.
Bên cạnh thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật, các tổ chức Hội vì người khuyết tật và Hội của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật có hiệu quả như:
Hoạt động trợ giúp NKT của Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh: Hội đã tích cực vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để huy động vào nguồn quỹ Hội bằng tiền và hiện vật (quy thành tiền) đã vận động được trên 16,4 tỷ đồng, trong đó: Trung ương Hội Bảo trợ NKT-TMC hỗ trợ là 132 triệu đồng gồm học bổng và xe đạp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam hỗ trợ 135 suất học bổng, trị giá 135 triệu đồng, Hội nạn nhân chất độc dacam/dioxin Việt Nam hỗ trợ 15 triệu đồng, Hội cấp huyện huy động được trên 4,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động trên, Hội đã tổ chức các hoạt động bảo trợ cho hơn 28.971 lượt người khuyết tật, nạn nhân dacam và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 14,3 tỷ đồng, cụ thể: (i) Trợ giúp về y tế: Đã vận động tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) khám, làm khuôn tai và lắp 83 máy trợ thính cho 83 NKT và các cháu khuyết tật trị giá 830 triệu đồng; Tổ chức đưa 20 nạn nhân dacam đi thải độc tại Trung tâm thải độc tỉnh Quảng Bình thuộc Hội Nạn nhân chất độc dacam/dioxin tỉnh Quảng Bình trong thời gian 15 ngày, với kinh phí 140 triệu đồng; Hỗ trợ kinh phí cho 05 bệnh nhân NKT nghèo một phần kinh phí để phẫu thuật, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế với số tiền là 5 triệu đồng; (ii) Trợ giúp về phương tiện đi lại: Cấp xe lăn: 320 chiếc, tổng kinh phí 800 triệu đồng; Tặng xe đạp 230 chiếc, trị giá 340 triệu đồng; (iii) Trợ giúp cải thiện sinh hoạt: Xây dựng 07 nhà tình thương, tổng kinh phí 350 triệu đồng; Trao tặng học bổng cho 196 cháu, kinh phí 517 triệu đồng; Bảo trợ học tập 110 cháu, kinh phí 110 triệu đồng; Dự án "Tăng cường sự tham gia của NKT trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Quảng Trị " đã hỗ trợ vật chất sinh hoạt cộng đồng cho 02 xã xây dựng nông thôn mới Cam Hiếu và Cam Thủy, huyện Cam Lộ với tổng số tiền là 776 triệu đồng; Đã hỗ trợ cho 120 hộ gia đinh có NKT vay vốn ưu đãi làm kinh tế, với tổng số tiền 600 triệu đồng; Hỗ trợ bò giống sinh sản cho 25 hộ gia đình NKT hoàn cảnh khó khăn có điều kiện chăn nuôi, với số tiền 218.000.000 đồng; Đã hỗ trợ cho xã xây dựng nông thôn mới huyện Cam Lộ làm nhà vệ sinh giành cho NKT với giá trị 136 triệu đồng. Trao 3.800 suất quà cho NKT, tổng trị giá 4.506 triệu đồng.
Hoạt động trợ giúp NKT của Hội Người mù tỉnh: Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác lao động sản xuất, chăm lo đời sống hội viên: Chương trình 120 vay vốn quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Hội và địa phương. Năm 2018, đã thu hồi, triển khai cho vay lại 11 dự án kênh Trung ương Hội, với số tiền 602 triệu đồng, nhìn chung người mù sử dụng vốn có hiệu quả, làm ăn có lãi, trả vốn đầy đủ cho Ngân hàng, đến nay Hội đang quản lý 51 dự án, 335 người vay, số vốn đang quản lý 2.670 triệu đồng, không có vốn tồn động và nợ quá hạn tại Ngân hàng. Các Hội người mù huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, thị xã Quảng Trị mở 8 lớp dạy nghề làm hương, chổi, xoa bóp cho 112 hội viên tham gia, với kinh phí 367 triệu đồng. Thông qua chương trình học nghề, vay vốn chương trình 120 làm kinh tế tại gia đình, tham gia lao động phân tán tại nhà, lao động tập trung tại các cơ sở do Hội quản lý có 546 hội viên, người mù có việc làm và thu nhập tương đối ổn định, chỉ tính riêng doanh thu các cơ sở sản xuất tập trung do Hội quản lý năm 2018 đạt được là 2.503 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 179 lao động là hội viên người mù, bình quân thu nhập 1.300.000 đồng/người/tháng.
Hoạt động trợ giúp NKT của Hội từ Thiện tỉnh: Thực hiện hiệu quả các dự án đối tác nước ngoài, đồng thời phối hợp với Ban Từ thiện phật giáo tỉnh, các cấp hội vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đã cứu trợ, giúp đỡ cho trên 8.000 đối tượng người khuyết tật, người nghèo, người gặp hoạn nạn khó khăn, với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng (chưa tính các chương trình, dự án nhân đạo). Năm 2018, Hội Từ thiện tỉnh đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhân đạo như: (i) Dự án PHCNDVCĐ - Chiến lược hòa nhập người khuyết tật tại Quảng Trị do tổ chức Caritas (CHLB Đức tài trợ): Năm 2018, là năm thứ 2 giai đoạn 2017 - 2019 của dự án cho 286 trẻ khuyết tật tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà và huyện Gio Linh. Dự án được nâng tầm mở rộng theo hướng WHO phát triển toàn diện, đa lĩnh vực (sức khỏe, giáo dục, sinh kế, xã hội và quyền vị thế NKT); (ii) Chương trình hỗ trợ trẻ khuyết tật do quỹ Lilitane Hà Lan Mê Kông tài trợ: Năm 2018, Tổ chức Lilitane Hà Lan Mê Kông đã tài trợ cho 51 trẻ khuyết tật về hỗ trợ học bỗng và dinh dưỡng các cháu đang theo học từ cấp 1 lên đại học và một số hoạt động tạo thuận lợi cho NKT.
Công tác vận động các nguồn lực để trợ giúp người khuyết tật: Các Sở, ngành và địa phương liên quan đã tích cực vận động nguồn lực từ các nhà tài trợ để trợ giúp cho người khuyết tật như: (i) Dự án PHCNDVCĐ – chiến lược hòa nhập NKT tại tỉnh Quảng Trị do Caritas-CHLB Đức tài trợ, giai đoạn 2017- 2019, với kinh phí 160.000 euro; (ii) Dự án “Giảm thiểu số trẻ khuyết tật không được tiếp cận PHCN cải thiện chất lượng cuộc sống” giai đoạn 2018 - 2020 do Tổ chức Y tế vì Hòa bình (Medipeace - Hàn Quốc) tài trợ; (iii) Dự án hòa nhập xã hội cho NKT thông qua phát triển và tăng cường liên kết mạng lưới các tổ chức của NKT do Caritas Úc tài trợ thông qua tổ chức CRS tại Việt Nam, kinh phí 3,8 tỷ đồng do Hội NKT tỉnh thực hiện; (iv) Dự án “Giám sát và đánh giá viêc thực hiện công ước quốc tế về quyền của NKT tại Việt Nam” do tổ chức CBM tài trợ phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) do Hội NKT tỉnh thực hiện; (v) Dự án “Đẩy mạnh thực hiện các quyền của NKT thông qua hỗ trợ năng lực mạng lưới và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ NKT” do Ai Len tài trợ thông qua Văn phòng Renew và Hội NKT tỉnh; (vi) Dự án “Nâng cao vị thế của NKT” tại Gio Linh do Tổ chức SRS (Tổ chức phát triển nông thôn bền vững) thực hiện; (vii) Dự án “Tăng cường sự tham gia của NKT trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam” do Bộ Hợp tác và Phát triển CHLB Đức tài trợ, Hội NKT và Trung tâm phòng tránh giám nhẹ thiên tai Trung ương (DMC) và tổ chức MI (Malteser International) thực hiện; (viii) Dự án “ Hỗ trợ hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, nạn nhân da cam/dioxin tại huyện Gio Linh thông qua chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2021” do Tổ chức GCS (Hà Quốc) tài trợ, kinh phí 29.950 USD; (ix) Dự án “Phục hồi chức năng lưu động, hỗ trợ nạn nhân và giáo dục nguy cơ bom mìn” giai đoạn 2019-2021 do Tổ chức Renew thực hiện, kinh phí 91.964 USD; (x) Dự án “Tăng cường chăm sóc y tế và đào tạo phục hồi chức năng giai đoạn 2018-2023” do cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức HI hợp tác với Sở Y tế, kinh phí 01 triệu USD; (xi) Dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật giai đoạn 2018-2021” do USAID tài trợ thông qua Tổ chức ACDC hợp tác với Sở Y tế và Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ NKT và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, hạn chế như: Còn một bộ phận người khuyết tật vẫn khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, nhất là người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại không thuận tiện. Hỗ trợ người khuyết tật trong giáo dục còn gặp khó khăn, hạn chế: Các trường còn thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy học sinh khuyết tật hòa nhập; Các em vẫn còn mặc cảm trong quá trình giao tiếp, vì vậy tỉ lệ trẻ khuyết tật thực hiện GDHN còn thấp. Tỷ lệ người khuyết tật được học nghề vẫn còn thấp, phần lớn những người khuyết tật có việc làm không ổn định, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức, cơ sở mang tính nhân đạo từ thiện. Số lượng người khuyết tật tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không nhiều. Phong trào thể dục, thể thao của người khuyết tật có chững lại, ở tỉnh chưa tổ chức các giải thể thao dành cho người khuyết tật, nếu không có giải pháp khắc phục thì trong những năm tới phong trào thể dục thể thao người khuyết tật của tỉnh Quảng Trị sẽ có chiều hướng đi xuống. Các công trình xây dựng chỉ ở mức độ tiếp cận tối thiểu dành cho người khuyết tật (lối đi cho người khuyết tật) và chỉ tập trung một số công trình công cộng sử dụng ngân sách nhà nước. Việc hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công trình giao thông còn khó khăn, hạn chế. Số lượng NKT tiếp cận sử dụng Internet thấp, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi.
Để hoạt động trợ giúp người khuyết tật có hiệu quả trong những năm tới cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách trợ giúp người khuyết tật, quyền và trách nhiệm của người khuyết tật đến các ngành, các cấp, gia đình và bản thân người khuyết tật.
- Hướng dẫn, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về người khuyết tật như: chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; hỗ trợ người khuyết tật về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ người khuyết tật về đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vốn vay cho người khuyết; hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ con giống, khoa học kỷ thuật đối với người khuyết tật; tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông đối với người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông; hỗ trợ người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; nâng cao năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật.
- Tiếp tục cập nhật dữ liệu về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh; duy trì hệ thống thông tin giữa các cơ quan thành viên của Ban điều phối để kết nối khai thác, sử dụng dữ liệu về người khuyết tật.
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên ở các trường có học sinh khuyết tật, tham quan các mô hình phù hợp với NKT.
- Kết nối, điều phối vận động các nhà tài trợ và các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước để tiếp tục trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người khuyết tật, trong đó quan tâm giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người khuyết tật, tạo điều kiện người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin); hỗ trợ người khuyết tật mù được học chữ Braille, tin học; hỗ trợ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người người khuyết tật.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho người khuyết tật trong cơ sở sản xuất, dạy nghề của hội người mù để công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật mù phát huy hiệu quả, bảo đảm giải quyết việc làm cho người khuyết tật mù.
- Đẩy mạnh công tác tham mưu, chỉ đạo việc xây dựng mới các công trình phải bảo đảm tiếp cận đối với người khuyết tật (lối đi, cầu thang)./.
Trí Thanh
- Các văn bản mới về lĩnh vực bảo trợ xã hội và giảm nghèo (09/07/2022)
- Một số quy định mới trong việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện (30/03/2022)
- Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (30/03/2022)
- Một số nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 (30/03/2022)
- Hội thảo đánh giá thực trạng nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. (30/03/2022)
- Quy định mới về định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội (30/03/2022)
- Hệ thống các văn bản về chính sách bảo trợ xã hội (tính đến ngày 30/4/2018) (30/03/2022)