Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 21
Hôm nay: 142
Tổng lượt truy cập: 812.569
Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- Ngày đăng: 30-03-2022
- 468 lượt xem
Công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2018, Sở Lao động - TB&XH đã xây dựng Chương trình công tác trọng tâm của Sở gồm: 11 mục tiêu, chỉ tiêu, 148 nội dung công việc trọng tâm về các lĩnh vực công tác của ngành Lao động- TB&XH (mỗi nhiệm vụ kèm theo từng nhóm giải pháp và công việc cụ thể); phân công trách nhiệm và tiến độ thực hiện đến từng phòng ban, đơn vị, huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, đã tập trung chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực nhằm thực hiện các nhiệm vụ về công tác về tạo việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững, bảo trợ xã hội, chính sách lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội, công tác người có công với cách mạng, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội đảm bảo hoàn thành tốt các chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Một số chỉ tiêu đạt được kết quả nổi bật như:
- Năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 12.423 người (đạt 105 % kế hoạch). Trong đó: cao đẳng 601 người; trung cấp 819 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 11.003 người (đào tạo nghề cho lao động vùng biển 2.542 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,43% ( kế hoạch đề ra là 54,4%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 39,36%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 29,1%.
- Toàn tỉnh có 11.318 lượt lao động được tạo việc làm mới đạt 119,1% kế hoạch (kế hoạch 9.500 lao động), trong đó: 6.200 lao động làm việc trong tỉnh, 3.300 lao động làm việc ngoài tỉnh và 1.818 người xuất khẩu lao động (ngoài thị trường Lào) đạt 181,8% kế hoạch (kế hoạch xuất khẩu 1.000 lao động). Năm 2018, số lượng 1.818 người xuất khẩu lao động là con số cao nhất từ trước đến nay của tỉnh.
- Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh năm 2018 giảm 1,83% (giảm 2.818 hộ nghèo), đạt 100% kế hoạch (chỉ tiêu kế hoạch đề ra giảm từ 1,5-2,0%); tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 11,52% (19.541 hộ nghèo) đầu năm 2018 xuống còn 9,69% (16.723 hộ nghèo) cuối năm 2018. Trong đó: tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo Đakrông (theo NQ 30a) năm 2018 giảm 5,92% (giảm 458 hộ nghèo), đạt 148% kế hoạch (chỉ tiêu kế hoạch đề ra giảm trên 4%), tỷ lệ hộ nghèo huyện Đakrông giảm từ 45,64% (4.486 hộ nghèo) đầu năm 2018 xuống còn 39,72% (4.028 hộ nghèo) cuối năm 2018.
Đặc biệt trong năm 2018, với việc triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công, do đó đã giảm số lượng khá lớn hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
+ Hộ nghèo đồng bào dân tộc đã giảm 1.078 hộ (tương ứng giảm 10,1% so với tổng số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số), giảm từ 10.678 hộ nghèo đồng bào DTTS đầu năm 2018 xuống còn 9.600 hộ nghèo đồng bào DTTS cuối năm 2018.
+ Hộ nghèo chính sách người có công đã giảm 385 hộ (tương ứng giảm 61,7% so với tổng số hộ nghèo chính sách người có công), giảm từ 624 hộ nghèo chính sách người có công đầu năm 2018 xuống còn 239 hộ nghèo chính sách người có công cuối năm 2018 (Hộ nghèo chính sách NCC tập trung chủ yếu: huyện Đakrông: 79 hộ; Hướng Hóa: 85 hộ; Gio Linh: 23 hộ;Vĩnh Linh: 13 hộ; Hải Lăng: 12 hộ; Triệu Phong: 16 hộ; Cam Lộ: 02 hộ; Thị xã Quảng Trị: 04 hộ; Thành phố Đông Hà: 05 hộ).
- Tích cực đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính (giảm thủ tục hành chính) trong lĩnh vực người có công tại Sở, năm 2018 giải quyết trên 6.000 hồ sơ người có công (năm 2017 giải quyết đúng hạn 66%; năm 2018 giải quyết đúng hạn 98,8%). Thực hiện số hóa hồ sơ người có công với cách mạng, năm 2018: 18.000 hồ sơ liệt sỹ, dự kiến năm 2019: 25.000- 30.000 hồ sơ người có công.
- Chỉ đạo giảm tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn xây dựng quy ước, hương ước ở các thôn, bản có tỷ lệ tảo hôn cao,…), so với năm 2017 thì năm 2018 ở huyện Đakrông giảm 42 cặp; Hướng Hóa giảm 14 cặp.
- Tích cực chỉ đạo để đưa Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 đi vào hoạt động, đến nay đã tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng 48 đối tượng tâm thần kinh tại trung tâm; hiện nay đang chuẩn bị các điều kiện tiếp theo để tiếp nhận đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tại Trung tâm vào Quý I năm 2019.
Về mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu năm 2019
- Tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 14.500 người, trong đó: Trình độ cao đẳng: 500 người; Trình độ trung cấp: 1.200 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 12.800 người.
Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 59,73% ; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 42,38%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 30%.
- Tạo việc làm mới cho 11.000 lượt lao động. Trong đó có 1.400 người tham gia xuất khẩu lao động (ngoài thị trường Lào).
- Tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm 1,7%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo Đakrông (theo NQ 30a) giảm trên 4%.
Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội năm 2019:
* Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giáo dục nghề nghiệp, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo lao động có chất lượng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại các dự án trọng điểm của tỉnh, cụ thể:
+ Đổi mới và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông: Phối hợp với Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025; Phối hợp với các Sở ngành liên quan, các địa phương tổ chức “ngày hội thanh niên trường học với nghề nghiệp và việc làm năm 2019”, Hội thảo về định hướng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
+ Phối hợp với các Sở ngành liên quan, các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tổ chức hoạt động ký kết giao ước về đào tạo và tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ động nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về các vị trí việc làm tại doanh nghiệp.
- Tham mưu sắp xếp, quy hoạch và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tế, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh: Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện; khuyến khích hình thành các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại Khu công nghiệp; xây dựng Đề án thành lập Trường Cao đẳng nghề Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất Trường Trung cấp nghề Quảng Trị, Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Trung cấp nghề Giao thông vân tải, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân..
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 264/KH-UBND, ngày 23/01/2017 của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020; Kế hoạch 1284/KH-SLĐTBXH ngày 29/5/2018 của Sở Lao động- TB&XH về việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (chỉ số đào tạo lao động) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về đào tạo nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm; tăng cường liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tuyển sinh, đào tạo nghề và tuyển dụng lao động sau đào tạo; quan tâm tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
* Giải pháp tạo việc làm:
- Duy trì hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực việc làm nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng. Tiếp tục tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động trên địa bàn toàn tỉnh, ưu tiên vùng sâu và vùng xa, vùng ven biển để tư vấn, tuyển chọn lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và tham gia xuất khẩu lao động. Chú trọng thông tin các thị trường lao động trong nước, các doanh nghiệp lớn tuyển dụng lao động có thu nhập cao, trình độ phù hợp, có điều kiện sinh hoạt tốt cho người lao động (như: Công ty SamSung Thái Nguyên; Tổng Công ty Than Khoáng sản Việt Nam,...).
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động xuất khẩu lao động; giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm thông tin về thị trường lao động ngoài nước, chủ động tìm kiếm việc làm.
- Tích cực kiểm tra, giám sát để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác xuất khẩu lao động, nhằm phòng tránh thiệt hại cho người lao động.
- Phát huy vai trò của các tổ chức, Hội đoàn thể trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, theo dõi, giám sát việc thực hiện công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Trong đó, chú trọng đến công tác phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác xuất khẩu lao động.
- Mời gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, có tiềm lực đến tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tham gia xuất khẩu lao động. Đặc biệt, chú ý mời gọi, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có các đơn hàng chi phí thấp, có mức thu nhập khá và ổn định đến tuyển dụng lao động tại các xã, thị trấn của 4 huyện vùng biển bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường sinh thái biển.
* Giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội:
- Tập trung đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình chính sách người có công. Phấn đấu vào cuối năm 2019, cơ bản không còn hộ gia đình chính sách người có công thuộc diện hộ nghèo.
- Triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo như: vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục cho hộ nghèo; các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa bàn các xã nghèo; hỗ trợ đầu tư hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi và vùng bãi ngang ven biển.
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng. Tổ chức Hội nghị biểu dương hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững ở cấp huyện, cấp tỉnh.
- Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo, đặc biệt là huy động nguồn lực trên địa bàn, nguồn lực của chính người nghèo, khai thác những tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn hướng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững. Vận động các doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua Quỹ “Vì người nghèo” để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo.
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp thực hiện công tác giảm nghèo giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội với các tổ chức đoàn thể nhân dân (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và Tỉnh Đoàn Quảng Trị).
Một số kiến nghị, đề xuất:
* Đối với UBND tỉnh:
Để sớm đưa đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1, kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí đủ nguồn nhân lực, hỗ trợ phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo để tiếp nhận đối tượng vào cai nghiện ma túy tại Trung tâm.
* Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-70% (bằng mức trung bình cả nước) thì năm 2019 phải có 14.500 lao động được đào tạo nghề (tăng 2.000 lao động so với năm 2018). Do đó, ngoài ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí thêm kinh phí để thực hiện đào tạo nghề cho người lao động (mỗi huyện, thị xã, thành phố bố trí khoảng 300 triệu đồng/năm) theo Kế hoạch 264/KH-UBND, ngày 23/01/2017 của UBND tỉnh về đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020.
- Tập trung chỉ đạo sự phối hợp giữa Phòng Lao động- TB&XH với các Đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nhằm giảm hộ nghèo trong hội viên đoàn thể, giảm hộ nghèo trong gia đình chính sách người có công và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan chuyên môn liên quan ở địa phương (như: Công an, Tư pháp, Tòa án) phối hợp ngành Lao động- TB&XH thực hiện các quy trình, thủ tục theo đúng quy định tại Nghị định số 221/2013/NĐ-CP về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; và Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường thị trấn, nhằm thực hiện đưa đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1, dự kiến Quý I năm 2019 tiếp nhận từ 20 đến 25 đối tượng vào Trung tâm.
- Về chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019:
+ Đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân, chủ động cứu đói cho nhân dân trên địa bàn, kiên quyết không để một người dân nào bị thiếu đói, không được đón tết.
+ Tổ chức trao tặng quà của Chủ tịch Nước cho các gia đình chính sách người có công một cách kịp thời, đầy đủ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách ở địa phương.
+ Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện Chương trình “Hoa dâng mộ Liệt sỹ” tại các địa phương theo sự phân cấp của UBND tỉnh trước Tết Nguyên đán năm 2019./.
Tác giả Phan Văn Linh
TUV, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội
- Một số nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018-2020 (30/03/2022)
- Hội thảo đánh giá thực trạng nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. (30/03/2022)
- Quy định mới về định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ trợ giúp xã hội (30/03/2022)
- Hệ thống các văn bản về chính sách bảo trợ xã hội (tính đến ngày 30/4/2018) (30/03/2022)