Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 112

Tổng lượt truy cập: 677.082

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp; sự triển khai thực hiện của các Sở, ban ngành liên quan; sự phối hợp của các hội, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội và sự tham gia tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững của cộng đồng dân cư, công tác giảm nghèo bền vững năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

     Tổng nguồn vốn đã huy động để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong năm 2020 đạt 1.693.586 triệu đồng, trong đó: vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 136.054 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 98.735 triệu đồng; vốn sự nghiệp 37.319 triệu đồng); vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội: 1.241.285 triệu đồng; vốn  thực hiện các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 80/2011/NQ-CP:185.000 triệu đồng; Quỹ  “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh: 23.700 triệu đồng; Vốn huy động khác: 107.547 triệu đồng.

      Kết quả thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo: Năm 2020, các ngành, các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo như:

        Chính sách tín dụng ưu đãi: đã giải quyết 29.198 lượt hộ vay vốn, kinh phí giải ngân trên 1.141,28 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), nâng tổng số dư nợ toàn tỉnh trên 3.027 tỷ đồng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiếp cận nguồn vay vốn dễ dàng, qua đó đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần thoát nghèo bền vững.

Chính sách hỗ trợ về y tế: thực hiện cấp 148.181 thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí thực hiện là 117,25 tỷ đồng. Việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ khám chữa bệnh đã tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Chính sách hỗ trợ về giáo dục: thực hiện miễn, giảm học phí cho 12.633 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho 10.517 lượt học sinh thuộc hộ nghèo; tổng kinh phí miễn, giảm và hỗ trợ chi phí học tập trên 19,21 tỷ đồng. Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập đã động viên, tạo điều kiện cho học sinh con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số cố gắng vươn lên trong học tập.

Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề: các cơ sở dạy nghề đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 6.361 lao động nông thôn (trong đó: 167 người thuộc diện hộ nghèo, 159 người thuộc hộ cận nghèo, 547 lao động là người DTTS được đào tạo nghề), tổng kinh phí hỗ trợ 1,35 tỷ đồng. Lao động nghèo, cận nghèo sau khi học nghề đã tham gia thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm mới, hoặc tăng năng suất lao động, tăng thu nhập và đã góp phần giảm nghèo bền vững.

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện trợ giúp pháp lý 467 vụ việc cho các đối tượng là người dân thuộc hộ nghèo, người có công, người dân tộc thiểu số và một số đối tượng khác; thực hiện 14 đợt tư vấn pháp luật ngoài trụ sở; tổ chức 8 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở với 360 người tham dự. Các hoạt động trợ giúp pháp lý đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số như: cung cấp thông tin pháp luật, giải đáp các yêu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của người nghèo.

 Chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo: đã hỗ trợ 640 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng, sửa chữa nhà ở, với tổng kinh phí thực hiện trên 25,5 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ cho vay vốn làm nhà ở (theo Quyết định 33/QĐ-TTg và Quyết định 48/QĐ-TTg) là 45 hộ, với số tiền cho vay 1.125 triệu đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức Hội, Đoàn thể đã vận động thông qua Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ xây dựng 316 nhà, sửa chữa 60 nhà ở cho hộ nghèo, với tổng kinh phí thực hiện trên 15,77 tỷ đồng. Từ nguồn vận động hỗ trợ thiệt hại do bão lũ, Uỷ ban Mặt trận TQVN tỉnh đã phối hợp với các địa phương, ban ngành đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 174 nhà ở bị sập, bị cuốn trôi, bị vùi lấp và nhà hư hỏng nặng, với tổng kinh phí trên 8,6 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo: UBND tỉnh ban hành 02 Quyết định phân bổ trên 7,43 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, qua đó đã thực hiện hỗ trợ 14.101 hộ nghèo, với tổng kinh phí thực hiện trên 1,94 tỷ đồng. Thực hiện tốt việc hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo Đakrông (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ): bố trí vốn 49,423 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn huyện nghèo Đakrông. UBND huyện Đakrông được giao chủ đầu tư thực hiện dự án và đã thực hiện khởi công mới 06 công trình, tiếp tục đầu tư 24 công trình chuyển tiếp; thực hiện duy tu, bão dưỡng 9 công trình.

Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển: bố trí 21,068 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn 11 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ. Năm 2020 đã đầu tư 26 công trình mới, 16 công trình chuyển tiếp và 12 công trình duy tu bảo dưỡng.

Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn, bản đặc biệt khó khăn: Nguồn vốn để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn 26 xã và 22 thôn, bản đặc biệt khó khăn ở vùng dân tộc và miền núi là 35,22 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển: 33,133 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 2.087 tỷ đồng), theo đó có 74 công trình, dự án được thực hiện, bao gồm: đầu tư mới 30 công trình, dự án, chuyển tiếp đầu tư 44 công trình.

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển: bố trí 13,529 tỷ đồng để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại huyện nghèo Đakrông, huyện đảo Cồn Cỏ và 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển (trong đó: huyện nghèo Đakrông được bố trí 9,929 tỷ đồng; các đơn vị còn lại được bố trí 3,6 tỷ đồng, bình quân hỗ trợ 300 triệu đồng/đơn vị); huy động từ các nguồn khác và nhân dân đóng góp trên 1,08 tỷ đồng. Trong năm 2020: tại huyện Đakrông đã thực hiện 17 dự án phát triển sản xuất, với 285 người tham gia; nhân rộng 03 mô hình giảm nghèo, với 55 người được hỗ trợ; tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đã thực hiện 19 dự án phát triển sản xuất, với 288 người tham gia.

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại địa bàn các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Năm 2020, bố trí 9,723 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ xây dựng 35 mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, với 1.745 hộ tham gia.

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135: bố trí 1,62 tỷ đồng để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; trong đó hỗ trợ 300 triệu đồng cho mỗi huyện (Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh) và thị xã Quảng Trị được hỗ trợ 120 triệu đồng; vốn người dân đóng góp 425 triệu đồng. Đã thực hiện: 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, với 60 người tham gia và nhân rộng 5 mô hình giảm nghèo, với 65 hộ tham gia; đã giải ngân 100% vốn.

Dự án Hỗ trợ cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Bố trí 300 triệu đồng để thực hiện dự án hỗ trợ cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 1.290 lao động đi xuất khẩu lao động, trong đó có 06 lao động thuộc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và 17 lao động người DTTS, trong đó đi làm làm việc tại các ngước ngoài Lào: 05 người.

Dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới; thôn, bản đặc biệt khó khăn: Với kinh phí 1,62 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ các xã đặc biệt khó khăn; thôn, bản đặc biệt khó khăn. Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện Hướng Hóa và Đakrông đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở, 36 lớp tập huấn tại cộng đồng cho 1.890 lượt cán bộ tại cơ sở.

Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Bố trí 1,935 tỷ đồng để thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin (trong đó: truyền thông giảm nghèo: 405 triệu đồng; giảm nghèo về thông tin: 1,53 tỷ đồng). Sở Lao động- TB&XH đã tổ chức 14 buổi truyền thông tại cho trên 700 cán bộ thôn, xã, các đoàn thể và người nghèo, người cận nghèo; xây dựng 02 chuyên mục về giảm nghèo phát trên sóng truyền hình tỉnh. Các hội, đoàn thể cấp tỉnh đã tổ chức 48 cuộc truyền thông với trên 2.500 người tham gia. Sở Thông tin và Truyền thông trang cấp 13 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ công tác cổ động tại 01 huyện và 12 xã; xây dựng chuyên mục “Giảm nghèo về thông tin”, theo đó đã đăng 43 tin, bài; Sản xuất và biên tập 77 tin, bài về giảm nghèo để phát sóng trên hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở.

Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo: bố trí 1,56 tỷ đồng thực hiện dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo (trong đó, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo: 100 triệu đồng; giám sát, đánh giá chương trình: 1,46 tỷ đồng). Tổ chức 09 lớp tập huấn về nghiệp vụ rà soát, đánh giá hộ nghèo và 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát giảm nghèo: cấp tỉnh đã tổ chức được 09 đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố, theo đó đã kiểm tra tại 29 xã, phường, thị trấn; cấp huyện đã tổ chức 35 đợt kiểm tra, đánh giá và giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo tại cấp xã, thôn.

Nhìn chung, năm 2020 các ngành, các cấp đã hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh khá đồng bộ và hiệu quả; người nghèo, người cận nghèo được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo quy định. Phong trào ''Ngày vì người nghèo'' của Ủy ban Mặt trận TQVN và các phong trào thực hiện công tác giảm nghèo của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên các cấp và đặc biệt là các cuộc vận động hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt đã thu hút đông đảo sự quan tâm và giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ người nghèo, các trường hợp rủi ro thiên tai ổn định về nhà ở, khôi phục sản xuất ... đã góp phần đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Trị còn một số hạn chế, khó khăn như: Hộ nghèo tỉnh Quảng Trị chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, hiện còn 7.390 hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 38,7% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 63,41% số với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; Số hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ khá cao (23,98% trong tổng số hộ nghèo) - đây là nhóm hộ hầu như không thể thoát nghèo. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, bão lụt, do đó năm 2020 hộ nghèo phát sinh và tái nghèo cao hơn những năm trước. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên, còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của nhà nước; một số hộ còn ngại vay vốn sản xuất, kinh doanh để cải thiện điều kiện sống, nên vẫn tồn tại một bộ phận không muốn thoát nghèo.

Đ/c Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra, làm việc tại UBND xã Mò Ó - huyện Đakrông để nắm tình hình đời sống của Nhân dân và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021

Xác định công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới vẫn là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn tỉnh phải có sự quyết tâm và nỗ lực lớn để đạt mục tiêu đề ra là: hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,0-1,5%/năm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và trong nước. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến đời sống người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người dân. Vì vậy, năm 2021 và những năm tới cần tập trung các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, phù hợp để thúc đẩy giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, trong đó cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp: Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự điều hành của chính quyền các cấp; sự vận động quần chúng của Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội, sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Tổ chức phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên giúp đỡ từng hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giảm nghèo, phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở các cấp.

Nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo: Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và người nghèo về trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công tác giảm nghèo và đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Kịp thời nêu gương, động viên và khen thưởng các điển hình trong công tác giảm nghèo bền vững, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có quyết tâm vươn lên trong cuộc sống

Thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra xác định thực trạng và phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương: Năm 2021, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025; đánh giá, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo nhóm nguyên nghèo, từ đó xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện các chính sách giảm nghèo theo từng nhóm nguyên nhân nghèo và nhu cầu hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo từng năm và trong cả giai đoạn 2022-2025.

Tăng cường huy động thêm các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: Tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế, tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận và tham gia; Đổi mới công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế kết hợp vốn vay ưu đãi, đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tham gia xuất khẩu lao động; Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Gắn công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm với công tác giảm nghèo bền vững: Gắn dạy nghề với tạo việc làm cho người nghèo, dạy nghề theo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, các dự án đầu tư, nhất là các dự án triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, xây dựng chính sách của tỉnh để khuyến khích, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đối với thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và con em hộ nghèo, cận nghèo; Tiếp tục tạo điều kiện để lao động dân tộc thiểu số sau học nghề được tiếp cận và vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, đảm bảo người lao động sau học nghề có nghề nghiệp mới, có thu nhập cao và ổn định.

Phát triển của cộng đồng dân cư gắn liền với sự vươn lên của hộ nghèo: Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nước sạch,...) tại các khu dân cư, đặc biệt tại vùng nghèo, xã nghèo nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng dân cư và hộ nghèo có điều kiện thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo bền vững; Tập trung huy động sự vào cuộc của các sở, ban ngành trong công tác giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách huy động nguồn lực các ngành, lĩnh vực từ Bộ, ngành Trung ương, từ các tổ chức phi chính phủ để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số./.

                                                                                                                   Nguyễn Trí Thanh

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video