Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 82

Tổng lượt truy cập: 687.776

Nghị định số 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 29/9/2020, thay thế Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Nghị định 115/2020/NĐ-CP gồm nhiều quy định mới liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Dưới đây là tổng hợp một số điểm mới đáng chú ý tại Nghị định này.

1. Phân loại viên chức:

Nghị định 115 nêu 02 tiêu chí phân loại viên chức gồm:

- Theo chức trách, nhiệm vụ: Viên chức quản lý và viên chức không giữ chức vụ quản lý;

- Theo trình độ đào tạo: Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và trung cấp.

Như vậy, so với 02 tiêu chí trước đây là vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tại Nghị định 29/2012/NĐ-CP, Nghị định 115 này, Chính phủ đã phân loại viên chức theo 02 tiêu chí mới là theo chức trách, nhiệm vụ và theo trình độ đào tạo nêu trên.

2. Chức danh nghề nghiệp

 Cùng với việc quy định thay đổi tiêu chí phân loại viên chức, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP điều chỉnh về chức danh nghề nghiệp của viên chức. Tại Điều 28, căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một lĩnh vực sự nghiệp được xếp thành 05 hạng thay vì 04 hạng như trước đây.

Cụ thể, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm chức danh nghề nghiệp hạng V bên cạnh 04 chức danh cũ hiện đang áp dụng là chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.

Đồng thời, Chính phủ cũng quy định chi tiết tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức gồm các nội dung: Tên của chức danh nghề nghiệp; nhiệm vụ bao gồm những công việc cụ thể phải thực hiện có mức độ phức tạp phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

3. Về tuyển dụng viên chức:

Nghị định 115/2020/NĐ-CP về cơ bản giữ nguyên các quy định về tuyển dụng viên chức như: Thực hiện theo 02 hình thức là thi tuyển và xét tuyển; mỗi hình thức lại thực hiện theo 02 vòng.

Tuy nhiên, Nghị định đã có một số thay đổi quan trọng so với quy định trước đây về việc tuyển dụng viên chức, như: bổ sung quy định thời gian thi thực hành khi thi tuyển viên chức do người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển; bổ sung hình thức thi viết tại vòng 02 của kỳ thi tuyển dụng viên chức (trước đây chỉ có phỏng vấn hoặc thực hành)...

4. Độ tuổi đăng ký tuyển dụng viên chức:

Hiện nay, nếu muốn đăng ký dự tuyển viên chức thì người có nguyện vọng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22, Luật Viên chức năm 2010. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.Trong đó, điều kiện về độ tuổi được quy định như sau: Từ đủ 18 tuổi trở lên. Với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Có thể thấy, theo quy định này, hiện nay, chỉ người từ đủ 15 tuổi trở lên mới được đăng ký dự tuyển viên chức.

5. Thêm đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng viên chức

So với quy định trước đó, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP bổ sung thêm trường hợp được cộng điểm 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2 là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã…

Đồng thời, Nghị định cũng loại bỏ khỏi danh sách ưu tiên 02 đối tượng là con của người hoạt động Cách mạng trước tổng khởi nghĩa từ ngày 19/8/1945 và đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.

6. Thêm đối tượng, hồ sơ người được tiếp nhận vào làm viên chức

Hiện nay, Chính phủ không còn quy định các trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng viên chức mà thay vào đó là quy định về trường hợp xem xét tiếp nhận vào làm viên chức.

Theo đó, Điều 13 Nghị định 115 đã bổ sung thêm trường hợp người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng được xem xét tiếp nhận vào viên chức Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, khoản 3 Điều 13 Nghị định này cũng quy định chi tiết hồ sơ của người được đề nghị tiếp nhận vào làm viên chức gồm:

- Sơ yếu lý lịch viên chức có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác;

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;

- Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;

- Bản tự nhận xét, đánh giá của người được đề nghị tiếp nhận về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình công tác có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.

7. Hướng dẫn về hợp đồng của viên chức tuyển trước 01/7/2020

Điều 20 Nghị định 115 hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc của viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020 nhưng đang thực hiện hợp đồng làm việc xác định thời hạn:

- Tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết;

- Sau khi kết thúc thời hạn của hợp đồng làm việc đã ký thì được ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định.

Ngoài ra, về các nội dung liên quan đến hợp đồng làm việc khác, Điều 20 Nghị định này cũng quy định:

- Hợp đồng làm việc của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập ký;

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng làm việc, nếu có thay đổi về nội dung thì có thể thỏa thuận để ký phụ lục hoặc ký hợp đồng làm việc mới có những nội dung thay đổi đó;

- Viên chức được chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc nhưng phải ký hợp đồng làm việc mới với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.

8. Thời gian tập sự đối với viên chức

Về thời gian tập sự của viên chức, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP vẫn quy định như trước đây tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP:

12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng.

09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng;

06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

Nghị định quy định thời gian không tính vào thời gian tập sự gồm: Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP bổ sung thêm 01 nội dung mới đáng chú ý mà trước đây chưa có quy định: “Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nơi người được tuyển dụng vào viên chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự”.

9. Không chuyển viên chức đang tập sự sang đơn vị khác

Đây là một quy định mới đáng chú ý trong Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.  Cụ thể tại khoản 6 Điều 21 quy định: “Không bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng đơn vị sự nghiệp công lập hoặc sang đơn vị sự nghiệp công lập khác”.

10. Quy định mới về việc không tuyển dụng viên chức tập sự:

Trước đây Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. Đến nay, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định người tập sự bị chấm dứt hợp đồng làm việc và hủy bỏ quyết định tuyển dụng khi không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật (Khoản 1, Điều 25). Quy định này đồng nghĩa với việc, viên chức tập sự chỉ cần có hành vi vi phạm đến mức kỷ luật đã có thể bị chấm dứt hợp đồng làm việc mà không cần phải đến mức bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên như quy định cũ.

11. Điều kiện mới về đăng ký thăng hạng chức danh nghề nghiệp

Viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện nêu tại Điều 32 Nghị định 115:

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật…

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng;

- Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn ngoại ngữ, tin học của chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng nếu được miễn thi môn ngoại ngữ, tin học;

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng…

Trong khi trước đây, Nghị định 29 không quy định điều kiện chung để viên chức được xét hoặc thi thăng hạng mà những điều kiện này được nêu cụ thể tại các văn bản chuyên ngành quy định riêng cho từng đối tượng viên chức khác nhau.

Như vậy, việc quy định một “tiêu chuẩn khung” để viên chức đăng ký thi hoặc xét thăng hạng tạo điều kiện cho viên chức đồng thời cũng giúp cấp có thẩm quyền dễ dàng quản lý, sử dụng viên chức hơn.

12. Các trường hợp viên chức không được thực hiện thôi việc

Theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì từ ngày 29/9/2020, viên chức không được thực hiện chế độ thôi việc đối với các trường hợp sau:

- Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.

- Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật.

- Viên chức thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Viên chức.

13. Viên chức được giải quyết thôi việc trong thời gian ngắn hơn

Trước đây, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định thời gian giải quyết chế độ thôi việc đối với viên chức là 20 ngày làm việc, Nghị định số 115/2020/NĐ-CP rút ngắn còn 05 ngày làm việc, cụ thể:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định. Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định.

Trên đây là tổng hợp điểm mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại Nghị định 115/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 và có hiệu lực từ ngày 29/9/2020.

Có thể thấy, sự ra đời của Nghị định này đã đồng bộ các quy định về viên chức ở các văn bản pháp luật khác, khiến việc quản lý viên chức dễ dàng hơn cũng như tao điều kiện thuận lợi cho viên chức nắm rõ các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

                                                                                                       Võ Thị Tố phụng

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video