Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 3
Hôm nay: 56
Tổng lượt truy cập: 789.491
Xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng – cần thực hiện tốt công tác công khai, minh bạch lấy ý kiến nhân dân
- Ngày đăng: 30-03-2022
- 219 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là mặt trận ác liệt nhất. Nhiều địa danh đã gắn liền với xương máu và chiến công của cả dân tộc như: Vình Linh, Hiền Lương, Thành Cổ Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh... Quảng Trị hơn 18.800 liệt sỹ, có hơn 11.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và hàng chục ngàn người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn thay mặt cả nước chăm sóc hơn 54.200 mộ liệt sỹ con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và yên nghĩ trên mảnh đất hùng thiêng này.
Chiến tích của hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẫn oằn sâu trên mảnh đất Quảng Trị, và hậu quả của nó để lại thật vô cùng khốc liệt; nhiều gia đình thân nhân hy sinh vị sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhiều người đã hi sinh một phần thân thể, hoặc bản thân bị địch bắt tù, đày; bị bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, và hàng ngàn người có công giúp đỡ cách mạng đến nay vẫn chưa được công nhận.
Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-BLĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 4374/KH-UBND ngày 31/8/2017 về giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng tồn đọng trên địa bàn tỉnh; Ban chỉ đạo xác nhận người có công tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 2490/KH-BCĐ ngày 13/9/2017 giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sỹ, thương binh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Phải khẳng định rằng, việc xác nhận và hoàn thiện hồ sơ người có công thật sự gặp rất nhiều trở ngại, như: do các cuộc chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ. Bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã lên đường không nghĩ đến việc chuẩn bị lưu giữ giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc. Đây là một thực tế do lịch sử để lại, là một trong những vướng mắc của việc giải quyết chế độ cho người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, do hồ sơ tồn đọng phần lớn là những hồ sơ lâu năm, khá phức tạp, có nhiều vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu thật kỹ, có cách vận dụng phù hợp với từng trường hợp. Nhiều người làm chứng không còn sống, có những nội dung xác nhận nêu chung chung hoặc mâu thuẫn ngay trong nội dung của người làm chứng, hoặc mâu thuẫn giữa nội dung làm chứng với nội dung giấy báo tử, phải xác minh nhiều lần, ở nhiều nơi, có những trường hợp tổ xác minh phải đi gặp trực tiếp từng đồng chí cán bộ lão thành cách mạng do sức yếu không dự họp được để lắng nghe ý kiến, nên phải mất khá nhiều thời gian...
Một vấn đề khác đặt ra, đó là Quyết định 408/QĐ-BLĐTBXH hướng dẫn giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng mà tập trung vào hồ sơ thương binh, liệt sĩ đã được xác nhận trước ngày 1/7/2013 và đang lưu trữ tại cơ quan Lao động-Thương binh và xã hội, Bộ CHQS tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố trở lên... như vậy sẽ còn một số lượng hồ sơ chưa hoàn chỉnh tồn đọng tại cấp huyện, xã và trong nhân dân chưa được xem xét. Bên cạnh đó, Quyết định 408 chỉ hướng dẫn giải quyết ‘‘hồ sơ tồn đọng” mà chưa hướng dẫn được quy trình xác nhận người có công với cách mạng trong các thời kỳ hiện không còn giấy tờ chứng minh quá trình tham gia hoạt động kháng chiến, tham gia giúp đỡ cách mạng...
Công tác giải quyết các hồ sơ người có công gian khó là vậy, song với trách nhiệm và sự tri ân sâu sắc, thời gian Ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị đã khắc phục mọi trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mà cụ thể là bám sát các Quyết đinh, Chỉ thị của Trung ương và kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị nhằm triển khai nhiều giải pháp và cách làm mang tính khoa học. Qua quá trình triển khai, các địa phương thực hiện đầy đủ các bước theo hướng dẫn quy trình tại Quyết định số 408. Để bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, nhưng cũng không để “lọt” hồ sơ, các cơ quan kiểm tra kỷ hồ sơ, đồng thời coi trọng ý kiến của những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, những người đã tham gia kháng chiến, các cụ cao tuổi, những người dân hiểu biết về trường hợp hy sinh hoặc bị thương của người được đưa ra xem xét. Việc công khai ở cấp xã và cấp tỉnh cũng được tiến hành nghiêm túc. Do tính chất phức tạp của hồ sơ (trường hợp hy sinh quá lâu, không còn nhân chứng, nội dung xác nhận chưa thật rõ hoặc những trường hợp tham gia nội tuyến), nên ở một số địa phương đã mời các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để báo cáo và lắng nghe ý kiến về từng trường hợp…
Bên cạnh đó, qua công tác xác nhận hồ sơ người có công từ những năm trước đây, Ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị đã sớm xem công tác công khai, minh bạch trong việc xét duyệt hồ sơ thông qua việc lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người tham gia hoạt động qua các thời kỳ cháng chiến, đồng đội, đồng nghiệp qua đó góp phần giải quyết chính xác đối tượng người có công với cách mạng theo quy định…
Từ việc tuân thủ nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh Quảng Trị, sự nỗ lực của Ngành LĐ-TB&XH Quảng Trị, nên công tác xác nhận hồ sơ người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả rất đang ghi nhận. Ngoài việc tiến hành xác nhận 12 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ và 6 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh tồn đọng tại các cơ quan cấp tỉnh. Trong đó, đối với hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, có 2 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh đủ điều kiện theo Quy định tại Quyết định 408/QĐ- BLĐTBXH (1 hồ sơ chuyển đi ngoại tỉnh); 4 hồ sơ đủ điều kiện xác nhận thương binh theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã lập biên bản bàn giao hồ sơ, đồng thời hướng dẫn Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết theo quy định. Đối với hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ có 3 trường hợp đã được Ban Chỉ đạo Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng ‘‘Tổ quốc ghi công”; 2 hồ sơ chuyển sang Bộ CHQS tỉnh giải quyết theo thẩm quyền; 5 hồ sơ không đủ điều kiện xác nhận; 2 hồ sơ Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu xác minh, bổ sung lý lịch của người làm chứng, tuy nhiên qua kiểm tra hồ sơ của cá nhân người làm chứng tại cơ quan có thẩm quyền, vẫn chưa có hồ sơ thể hiện cùng thời gian công tác. Đối với 2 trường hợp này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục xác minh thêm lý lịch thân nhân của người làm chứng theo hướng giải quyết của Trung ương.
Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi khác đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ được ngành Lao động-Thương binh và Xã hội ráo riết chỉ đạo thực hiện. Từ năm 2013 đến nay, ngành Lao động-TB&XH đã xác nhận hơn 9.500 hồ sơ người có công với cách mạng các loại, trong đó tập trung chủ yếu vào các đối trượng: Bà mẹ VNAH: 1.512 hồ sơ; Người hoạt động kháng chiến bị hậu quả chất độc hoá học: 1.904 hồ sơ; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: 1.897 hồ sơ; người hoạt động kháng chiến, giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế : 1.642; người có công giúp đỡ cách: 623 hồ sơ… nâng tổng số người có công với cách mạng trong toàn tỉnh lên 120.178 người; giải quyết hơn 14.500 hồ sơ thờ cúng liệt sỹ đối với những trường hợp không còn thân nhân hưởng trợ cấp; hàng năm tiếp nhận giải quyết trên 1.200 hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp tiền mai táng và trợ cấp một lần cho thân nhân của người có công với cách mạng từ trần…; các chính sách về bảo hiểm y tế, trang cấp phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình, chính sách ưu đãi trong giáo dục đào tạo ... được thực hiện một cách động bộ qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Sau gần 70 năm thực hiện chính sách tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng, vẫn còn có những người vì nhiều lý do, chưa được công nhận liệt sĩ, thương binh... Đó cũng là trăn trở lớn nhất của những người làm chính sách ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, là trách nhiệm của các thế hệ đi sau... Qua công tác xác nhận hồ sơ người có công từ những năm trước đây, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã sớm xem công tác công khai, minh bạch trọng việc xét duyệt hồ sơ thông qua việc lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là ý kiến của các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, người tham gia hoạt động qua các thời kỳ kháng chiến, đồng đội, đồng nghiệp qua đó góp phần giải quyết chính xác đối tượng người có công với cách mạng theo quy định. Từ thực tiễn của công tác xác nhận thương binh, liệt sỹ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục cho giải quyết những trường hợp này theo thủ tục 2 người xác nhận, hoặc được cơ quan có thẩm quyền kết luận đủ điều kiện công nhận. Về mặt hồ sơ thực hiện trên cơ sở xác nhận của những người biết sự việc, những người có cùng thời gian hoạt động và cùng cơ sở, đơn vị; Biên bản của Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh (những người dùng hoạt động với đối tượng) của cấp xã nơi đối tượng tham gia cách mạng; Tổ chức họp dân... Trên cơ sở các giấy tờ có liên quan, UBND cấp xã niêm yết, thông báo rộng rãi và có biên bản kết quả niêm yết, Hội đồng chính sách cấp xã nơi đối tượng tham gia cách mạng bị thương, hy sinh lập Biên bản xét duyệt kiến nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận bị thương, Giấy báo tử để xem xét giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng. Đ/c Phan Văn Linh Tỉnh ủy viên - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Lao động-TB&XH tỉnh Quảng Trị |
- Tìm kiếm, quy tập, chăm sóc phần mộ, một khía cạnh của chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” sau chiến tranh (30/03/2022)
- Lễ khởi công công trình cải tạo, nâng cấp một số hạng mục Khu mộ Liệt sỹ Hải Phòng tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (30/03/2022)
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tổng kết các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh Liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2017 (30/03/2022)
- Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội về phương án tổ chức và hoạt động của Trung tâm Điều dưỡng người có công Quảng Trị (30/03/2022)
- Nhìn lại 05 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (30/03/2022)
- Sử dụng Logo 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (30/03/2022)
- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng (30/03/2022)
- Nơi chốn linh thiêng (30/03/2022)
- Quyết định trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học (30/03/2022)
- Quyết định trợ cấp tuất hàng tháng, mai táng phí và trợ cấp một lần đối với thân nhân của người có công với cách mạng hoặc của thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng đã từ trần (30/03/2022)