Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội

Thông tin tiện ích
Lịch vạn niên
 

Đang truy cập: 1

Hôm nay: 198

Tổng lượt truy cập: 789.633

Nơi chốn linh thiêng

Nắng miền Trung, bất cứ người con nào hễ là Bắc hay Nam đều phải thảng thốt với những đợt gió Lào tát vào mặt như cháy da cháy thịt. Ai có ở đây trên mảnh đất Quảng Trị dường như mới chịu đựng được cái nắng, cái nóng khủng khiếp này. Giữa không khí tâm linh, trong những ngày đất nước nhớ về thời khắc lịch sử cách đây mấy mươi năm, có lẽ cái nóng chỉ là thoáng qua, còn tất cả là sự kính trọng và nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ. Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ẩn dưới những tán thông cổ thụ, tiếng thông reo trong gió như muốn kể cho những người đang sống câu chuyện huyền thoại về núi rừng Trường Sơn thuở xưa kia.

Trong không khí nhớ về những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, ắt hình ảnh những người cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa dường như là cầu nối giữa quá khứ và thực tại. Bao chuyến xe đến đây, dừng bánh ngay tận khu tượng đài chính, bước xuống là các cô, các bác mái tóc ngã bạc nhuốm màu thời gian. Họ trở lại Trường Sơn để thăm đồng đội, những con người từng vào sinh ra tử, cùng từng chiến đấu trên một con đường. Hình ảnh các bác cựu chiến binh không quản đường xa mệt mỏi, lập tức đốt hương, đôi chân thoăn thoắt nhanh chóng tìm đến nơi đồng đội mình yên nghỉ, rồi ai chưa tìm ra mộ phần thì giúp nhau tản ra tìm hộ, cứ thế họ lại trở về với nhau như cái thời bám trụ chiến đấu trên núi rừng Trường Sơn. Giờ người nằm trong mộ kẻ thắp nén hương, ngồi kề bên trong khói hương nghi ngút ôn lại kỉ niệm. Những giọt nước mắt, một vài lời nói lẩm nhẩm trong miệng, một bài thơ, hay hơn nữa là một bài ca tất cả đều cất lên như muốn tìm về tuổi trẻ với cây súng trên vai, giọt mồ hôi thấm màu áo lính.

    Con đường Hồ Chí Minh xưa sao mà ác liệt quá, địch đánh ta đêm ngày, cả một tiểu đội vận chuyển xăng dầu 30 người chỉ còn 1 người sống, cả đoàn xe vận tải bốc cháy trong đêm tạo nên những cột khói khổng lồ, cả 10 cô gái bị chôn vùi bởi xác bom ở Đồng Lộc và cả một thế hệ Việt Nam anh dũng, kiên cường đánh Mỹ dưới tán rừng Trường Sơn.

     Chắc có lẽ không ai mong muốn chiến tranh, càng không mong muốn chứng kiến cảnh chia ly trong gang tấc những người đồng đội, đồng chí đã xem nhau như người thân. 10.263 phần mộ quy tụ về tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Trường Sơn chỉ là con số phân nữa của hơn 20.000 người con ưu tú nằm lại mãi mãi trên tuyến đường chi viện này. Còn đâu đó những anh hùng dù đã có bia mộ nhưng vẫn chưa biết tên. Hai chữ “vô danh” thêm một lần nữa kéo dài sự chia cắt giữa người thân gia đình, đồng đội với các anh. Nhưng tổ quốc mãi ghi nhớ, mãi không quên những gì các anh đã làm.

Dòng người đông đúc đỗ về các khu mộ, đâu chỉ có người thân, đồng đội của các gia đình liệt sĩ đến thắp hương, còn có các đồng bào ta tới đây để thể hiện lòng thành kính với anh linh với hồn thiêng sông núi nơi này. Giai điệu của bản nhạc “Hồn sĩ tử” cứ vang vọng liên hồi, phút mặc niệm cũng là lúc mọi người nghiêm trang để tưởng nhớ. Từng nốt trầm, bỗng trong bài ca khiến cho tâm trạng người viếng cảm thấy bồi hồi, xúc động pha lẫn là lòng tự hào khi đã nghe và biết về thế hệ cha anh đi trước hy sinh cao cả biết dường nào.

Khói hương nghi ngút càng làm thêm cho những ngày hè chìm trong bầu tâm linh huyền thoại. Có lẽ những liệt sĩ ở đây, hay còn nằm đâu đó trên đất mẹ Việt Nam, xa hơn nữa là Lào, là Campuchia họ đã chọn hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và không uổng công cho sự xả thân khi nhìn đất nước ngày hôm nay phồn vinh, giàu đẹp.

     Tổ quốc ghi công các anh, đồng bào thương tiếc các anh, chính các anh những anh hùng liệt sĩ sẽ là những tấm gương sáng nhất cho các thế hệ đời sau noi theo, tiếp tục viết lên những bản trường ca hào hùng đất Việt. 

                                                                                             Văn Nhân

Tiếp nhận ý kiến
Hình ảnh hoạt động
Video