Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 4
Hôm nay: 740
Tổng lượt truy cập: 801.364
Bài trả lời phỏng vấn của Bà Dương Thị hải Yến- Phó GIám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
- Ngày đăng: 30-03-2022
- 245 lượt xem
Thưa bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, xin bà cho biết tình hình thực hiện hỗ trợ nhóm đối tượng hộ kinh doanh và người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị?
Đến ngày 21/7/2020, có 9/10 huyện, thị xã, thành phố đã trình danh sách các nhóm đối tượng đề nghị hỗ trợ thuộc hộ kinh doanh, người lao động đề nghị UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể như sau:
1. Nhóm lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương:
Đã có 01/10 huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt nhóm đối tượng này, đó là huyện Hướng Hóa.
UBND huyện Hướng Hóa đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ 2 đợt đối với 22 người, kinh phí đề nghị hỗ trợ 39,6 triệu đồng. UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đợt 1 với 16 người, kinh phí hỗ trợ 28,8 triệu đồng.
2. Nhóm hộ kinh doanh có khai thuế dưới 100 triệu đồng:
Đã có 9/10 huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 327 hộ kinh doanh, với số kinh phí đề nghị hỗ trợ là 327 triệu đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt 272 hộ, với kinh phí hỗ trợ 272 triệu đồng.
3. Nhóm người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Đã có 6/10 huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 28 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với số kinh phí hỗ trợ là 29 triệu đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt 26 người, với kinh phí hỗ trợ 27 triệu đồng.
4. Nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm:
Đã có 9/10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Đảo Cồn Cỏ) trình UBND tỉnh danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 8.927 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (trong đó có 75 người lao động bán vé xổ số), với số kinh phí hỗ trợ là 8.927 triệu đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt 7.082 người, với kinh phí hỗ trợ 7.082 triệu đồng.
5. Nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động:
Hiện nay, có 02 doanh nghiệp ở huyện Cam Lộ đang đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với 79 người lao động.
Tổng hợp tất cả các nhóm về lao động việc làm: Đến ngày 21/7/2020, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 9.245 người, hộ kinh doanh (trong tổng số 9.304 người, hộ kinh doanh do UBND các huyện, thị xã, thành phố đã trình; có 59 người lao động bán lẻ vé số lưu động chưa trình do đang được Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Quảng Trị rà soát, xác nhận), với số kinh phí đề nghị hỗ trợ là 9.263,6 triệu đồng. UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 7.396 hộ kinh doanh và người lao động với số kinh phí 7.409,8 triệu đồng, trong đó: (1) 16 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương với số kinh phí hỗ trợ 28,8 triệu đồng; (2) 272 hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng với số kinh phí hỗ trợ 272 triệu đồng; (3) 26 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, với số kinh phí hỗ trợ 27 triệu đồng; (4) 7.082 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với số kinh phí hỗ trợ 7.082 triệu đồng.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cần được hỗ trợ ngoài Quyết định 15, xin bà cho biết cụ thể?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 892/SLĐTBXH-LĐVLATLĐ ngày 22/5/2020 về việc thống kê lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 không được hỗ trợ theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành thống kê số lượng người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và giảm sâu thu nhập xuống dưới mức chuẩn cận nghèo.
Sau khi nhận được số lượng khảo sát nhóm đối tượng người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 ngoài các đối tượng tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg do UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch gửi đến, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổng hợp và trình UBND tỉnh tại Tờ trình số 1355/TTr-SLĐTBXH về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí cho lao động bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 15. Trong đó, các đối tượng đề nghị hỗ trợ cụ thể như sau:
1. Người lao động trong ngành Giáo dục: Đối tượng bị ảnh hưởng từ tháng 02/2020 do học sinh nghỉ học theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; Kiến nghị của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại Công văn số 89/CĐN ngày 24/4/2020 (trừ đối tượng lao động đang hưởng lương Bảo hiểm xã hội) 1.970 người.
2. Nhóm lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ về tài chính phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Văn hóa –Thể thao – Du lịch và các đơn vị khác nhưng phải bảo đảm các điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, trình tự thực hiện 112 người.
3. Nhóm lao động đánh giày, cắt tóc, gội đầu, làm đẹp 2.490 người.
4. Nhóm lao động làm việc ở quán Karaoke, quán Internet 946 người.
5. Nhóm lao động làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, thương mại, chăm sóc sức khỏe có giao kết hợp đồng lao động 6.602 người.
6. Lái xe ô tô chở khách (tự làm) hoặc lái xe thuê 596 người.
Tổng cộng: 12.716 người
Kinh phí đề nghị hỗ trợ: 01 triệu đồng/người.
Đối tượng người sử dụng vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc, đến nay chưa có trường hợp nào đề nghị. Xin bà cho biết nguyên nhân?
Như đã nêu ở trên, đến nay có 02 doanh nghiệp ở huyện Cam Lộ đang đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với 79 người lao động. Tuy nhiên, số lượng này chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn.
Theo chúng tôi, có 2 nguyên nhân chủ yếu là:
1. Khi gặp khó khăn, phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động có thể cho người lao động tạm ngừng việc và vẫn trả lương theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động để giữ chân người lao động. Nhưng người sử dụng lao động cũng có quyền thỏa thuận với người lao động để tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.
Thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, phần lớn người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động để tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Do đó, ít có đối tượng đề nghị vay vốn để trả lương.
2. Về điều kiện vay vốn, người sử dụng lao động khó có thể đáp ứng được, nhất là điều kiện: Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc.
Bà cho biết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 15 của Chính phủ và những kiến nghị, đề xuất?
1. Về khó khăn, vướng mắc
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội không ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 15 mà chỉ hướng dẫn thông qua Bộ hỏi – đáp trên cổng thông tin điện tử, vì vậy một số địa phương, tổ chức đoàn thể cho rằng không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện.
- Về nguồn ngân sách chi trả, ngân sách địa phương không chủ động được mà chủ yếu dựa vào sự phân bổ cấp trên. Trong lúc đó ngân sách trung ương chuyển về chậm, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ chi trả hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn.
- Đối với nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, để được hỗ trợ thì người lao động và doanh nghiệp phải đảm bảo nhiều điều kiện, nhất là điều kiện doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương, nên người lao động khó tiếp cận được gói hỗ trợ này.
- Đối với nhóm người người sử dụng vay vốn trả lương cho người lao động ngừng việc thì người sử dụng lao động cũng khó có thể đáp ứng được điều kiện để được vay vốn, nhất là điều kiện có từ 20% hoặc từ 30 lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 liên tục trở lên và điều kiện không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc. Thực tế, trong một số doanh nghiệp, tập trung ở các doanh nghiệp may, người lao động vẫn làm việc nhưng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên khách hàng đang nợ tiền bán hàng, doanh nghiệp không có tiền trả lương, kể cả tiền lương của người lao động đang làm việc. Tuy vậy, các doanh nghiệp này không thuộc đối tượng được vay vốn để trả lương nên gặp rất nhiều khó khăn.
- Một số khó khăn trong việc thẩm định đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 15 thuộc nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, như: việc xác định công việc làm, địa điểm làm việc, thu nhập khi bị mất việc làm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện ở các địa phương.
2. Để thực hiện tốt công tác hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chúng tôi kiến nghị với Trung ương một số nội dung như sau:
- Đối với nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, để người lao động được hỗ trợ đề nghị sửa điều kiện hỗ trợ là doanh nghiệp không đủ nguồn tài chính để trả lương.
- Đối với nhóm người người sử dụng vay vốn trả lương cho người lao động, đề nghị bổ sung đối tượng người sử dụng lao động vẫn sử dụng lao động làm việc nhưng gặp khó khăn, chưa có nguồn tiền để trả lương, được vay vốn trả lương cho người lao động. Để góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và phòng ngừa lao động bị thất nghiệp hàng loạt.
Để tiền hỗ trợ đến được với người dân, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, đúng tiến độ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, theo bà cần có sự phối hợp giữa các cơ quan như thế nào?
Để thực hiện tốt Kế hoạch số 1943/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh) đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
1. Đôn đốc hoàn thành tiến độ triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Công điện số 05/CĐ-LĐTBXH ngày 23/6/2020 về việc đôn đốc hoàn thành tiến độ triển khai Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2838/UBND-VX ngày 26/6/2020 về việc đôn đốc hoàn thành tiến độ triển khai Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
2. Tăng cường chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra UBND các xã, phường, thị trấn triển khai rà soát và phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, thực hiện công khai hóa danh sách đối tượng được hỗ trợ theo trình tự, thủ tục đúng quy định, trình Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố thẩm định và gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội kiểm tra, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ cho các nhóm đối tượng lao động việc làm.
3. Kiểm tra các địa phương thực hiện việc chi trả cho các nhóm đối tượng được hỗ trợ do đại dịch COVID-19 trên địa bàn một cách kịp thời, đúng đắn, đảm bảo đúng quy trình, quy định, kiên quyết không để trục lợi, lợi dụng danh sách để tham ô, thất thoát.
Bà nhắn gửi gì đến người lao động?
Cám ơn khán, thín giả đã quan tâm theo dõi nội dung của cuộc phỏng vấn. Chúc khán, thính giả, người dân và người lao động yên tâm thực hiện tốt công việc của mình. Chúc mọi người sức khỏe, bình an, hạnh phúc./.
Lê Văn Xá
PTP. Lao động-VL-ATLĐ
- Thực hiện công tác hỗ trợ cho hộ kinh doanh và người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (30/03/2022)
- Hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 (30/03/2022)
- Hướng dẫn trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (30/03/2022)
- Hợp đồng lao động với người cao tuổi (30/03/2022)
- Tiền lương thực hiện năm 2019 và kế hoạch tiền thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (30/03/2022)
- Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (30/03/2022)
- Xử lý hình sự đối với tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động (30/03/2022)
- Hội nghị phổ biến pháp luật lao động và thông tin một số nội dung dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) (30/03/2022)
- Chung tay xây dựng môi trường làm việc “Không khói thuốc là” (30/03/2022)
- Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng (30/03/2022)