Chi tiết - Sở Lao động - Thương Binh và Xã Hội
Đang truy cập: 3
Hôm nay: 50
Tổng lượt truy cập: 744.104
Một số điểm mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- Ngày đăng: 26-03-2022
- 220 lượt xem
Nghị định số 138/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/12/2020, thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Điều 1 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2010/NĐ-CP và Quyết định số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
Nghị định 138/2020/NĐ-CP gồm nhiều quy định mới liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức so với Nghị định 24/2010/NĐ-CP . Dưới đây là tổng hợp một số điểm mới đáng chú ý tại Nghị định này.
1. Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức:
So với Điều 4 Nghị định 24/2010/NĐ-CP thì tại Điều 4 Nghị định 138 đã bổ sung nội dung sau đây về điều kiện đăng ký dự tuyển công chức:
“Đơn vị tuyển dụng phải đưa ra điều kiện phù hợp với khung năng lực vị trí việc làm nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung.”
2. Thay đổi về ưu tiên khi tuyển dụng công chức:
So với Điều 5 Nghị định 24/2010/NĐ-CP (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP) thì tại Điều 5 Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã có một số điểm mới:
- Đối tượng là quân nhân chuyên nghiệp phải thuộc diện phục viên mới được cộng điểm ưu tiên (trước đây quy định là “quân nhân chuyển nghiệp).
- Thêm các đổi tượng được cộng điểm gồm: học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.
- Bỏ đối tượng được cộng điểm là:
+ Con của người hoạt động cách mạng trước tổng khởi nghĩa (từ ngày 19/8/1945 trở về trước).
+ Đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
3. Sửa đổi nhiều nội dung vòng 1 thi tuyển công chức:
Vòng 01 của kỳ thi tuyển công chức là thi kiểm tra kiến thức, năng lực chung. Theo đó, nội dung thi vòng 01 có nhiều quy định mới như sau:
Trước đây, Điều 8 Nghị định 24 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP) quy định:
- Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ tại vòng 1
- Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là tin học thì người dự tuyển không phải thi tin học tại vòng 1.
Nay, Nghị định 138 không còn đề cập đến quy định này.
* Thi ngoại ngữ: Thi 30 câu hỏi trong vòng 30 phút theo yêu cầu của vị trí việc làm, một trong năm thứ tiếng: Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc hoặc ngôn ngữ khác do người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định.
- Các trường hợp miễn thi:
+ Có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển;
Điều này có nghĩa nếu vị trí thi tuyển yêu cầu công chức trình độ chuyên môn là trung cấp thì người có bằng tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ có trình độ từ trung cấp trở lên sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Trong khi đó, trước đây Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định phải có “bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học về ngoại ngữ” mới được miễn thi;
+ Có bằng tốt nghiệp cùng trình độ đào tạo hoặc ở trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam theo quy định.
Điều này có nghĩa nếu vị trí thi tuyển yêu cầu công chức có trình độ chuyên môn là cao đẳng thì người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp và được công nhận tại Việt Nam sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Trong khi đó trước đây Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định phải có “bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ở nước ngoài hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học tại cơ sở đào tạo bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam” mới được miễn thi;
+ Nếu dự tuyển để công tác ở vùng dân tộc thiểu số thì phải có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số (trước đây quy định là chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền công nhận).
* Thi tin học: Thi 30 câu hỏi theo yêu cầu của VTVL trong 30 phút:
- Miễn thi tin học với người có bằng tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các chuyên ngành liên quan đến tin học, công nghệ thông tin (trước đây quy định có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên).
* Thi kiến thức chung: Nghị định 138 đã thay “chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực tuyển dụng; chức trách, nhiệm vụ của công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển” bằng “các kiến thức khác để đánh giá năng lực”.
Có thể thấy, nội dung thi tuyển tại vòng 01 kỳ thi công chức có nhiều quy định mới so với trước đây không chỉ về các trường hợp được miễn thi ngoại ngữ, tin học mà cả phần thi kiến thúc chung.
4. Điểm mới tại vòng 2 thi tuyển công chức:
Trước đây Khoản 4 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP quy định hình thức thi vòng 2 là Thi phỏng vấn hoặc thi viết.
Nay, Điều 8 Nghị định 138 quy định: Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; viết; kết hợp phỏng vấn và viết.
Theo đó, việc thi kết hợp phỏng vấn và viết được hướng dẫn như sau:
- Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút;
- Thang điểm: Tỷ lệ điểm phỏng vấn và viết do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định nhưng phải đảm bảo có tổng là 100 điểm.
5. Xét tuyển công chức:
Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định cụ thể đối tượng xét tuyển công chức bao gồm:
+ Người cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học;
+ Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
6. Về thời gian tập sự đối với công chức từ 01/12/2020
Điều 20 Nghị định 138 quy định về thời gian tập sự như sau:
- 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại C;
- 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào công chức loại D;
Trong đó, Nghị định 138/2020/NĐ-CP bổ sung quy định:
- Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ BHXH, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác không được tính vào thời gian tập sự.
- Trường hợp người tập sự nghỉ ốm đau hoặc có lý do chính đáng dưới 14 ngày mà được người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi người được tuyển dụng vào công chức đang thực hiện chế độ tập sự đồng ý thì thời gian này được tính vào thời gian tập sự (quy định mới).
- Không điều động, bố trí, phân công công tác đối với người được tuyển dụng đang trong thời gian thực hiện chế độ tập sự sang vị trí việc làm khác vị trí được tuyển dụng ở trong cùng cơ quan, tổ chức hoặc sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
7. Thêm đối tượng công chức tập sự được hưởng 100% lương, phụ cấp: Điều 22 Nghị định 138 quy định công chức tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo trong các trường hợp sau:
- Làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
(Trước đây, tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).
- Làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;
- Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ (bổ sung thêm đối tượng là học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị so với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 Nghị định 24/2010/NĐ-CP).
6. Xét nâng ngạch công chức:
Đây là quy định mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP nhằm hướng dẫn quy định của Luật cán bộ, công chức được sửa đổi năm 2019, cụ thể: Công chức đáp ứng đủ điều kiện thi nâng ngạch thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:
– Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận (cụ thể phải đạt từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên mới được xem xét);
– Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
7. Bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý:
Nghị định 138/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định: Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.
Nghị định cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức từ trung ương tới địa phương: Quy trình bổ nhiệm nhân sự tại chỗ, quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác đến…
8. Bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý:
Nghị định 138/2020/NĐ-CP kế thừa quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg về bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý, tuy nhiên Nghị định bổ sung thêm quy định các trường hợp chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
+ Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
+ Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử đi học tập, công tác ở nước ngoài từ 03 tháng trở lên;
+ Công chức lãnh đạo, quản lý đang trong thời gian điều trị nội trú từ 03 tháng trở lên tại các cơ sở y tế hoặc đang trong thời gian nghỉ chế độ thai sản.
9. Luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý:
Bên cạnh việc kế thừa quy định của Nghị định 24/2010/NĐ-CP về luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý phải nằm trong quy hoạch, Nghị định 138/2020/NĐ-CP còn bổ sung thêm 02 trường hợp luân chuyển:
- Công chức lãnh đạo, quản lý giữ các chức vụ cấp trưởng mà theo quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan;
- Công chức lãnh đạo, quản lý mà theo quy định không được bố trí người địa phương.
Bổ sung quy định về Điều kiện về độ tuổi luân chuyển:
- Còn thời gian công tác ít nhất hai nhiệm kỳ (10 năm) tính từ thời điểm đi luân chuyển;
- Riêng công chức lãnh đạo, quản lý luân chuyển để thực hiện quy định không được bố trí người địa phương và để thực hiện quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải còn đủ thời gian công tác ít nhất một nhiệm kỳ.
Bổ sung quy định Thời gian luân chuyển ít nhất 3 năm (36 tháng) đối với một lần luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bổ sung quy định về đánh giá, nhận xét đối với công chức luân chuyển; Bố trí công chức sau luân chuyển.
Bổ sung quy định về Chế độ, chính sách đối với công chức luân chuyển như:
- Công chức luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ đảm nhiệm trước khi luân chuyển thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
- Công chức luân chuyển đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
- Công chức luân chuyển được hưởng các chính sách về bố trí nhà ở công vụ, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí và các chính sách khác (nếu có)…
10. Chính sách đối với người có tài năng:
Đây là quy định mới của Nghị định 138/2020/NĐ-CP để cụ thể hóa quy định của Luật cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019, như: Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; Chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc; Chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm; Chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi và các chính sách khác…
Trên đây là 10 điểm mới về sử dụng, quản lý và tuyển dụng công chức theo quy định tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 27/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/12/2020./.
Võ Thị Tố Phụng
- Thực hiện chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức (28/03/2022)
- Nối vòng tay nhân ái Xuân Tân Sửu năm 2021 huy động hơn 18 tỷ đồng giúp người nghèo Quảng Trị (28/03/2022)
- Một số điểm mới về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (28/03/2022)
- Tổng kết công tác Lao động, người có công và xã hội năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 (28/03/2022)
- Công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị (28/03/2022)
- Hội nghị phổ biến Bộ Luật Lao động năm 2019 (28/03/2022)
- Một số quy định mới về tinh giản biên chế (28/03/2022)
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cải cách thủ tục hành chính Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (28/03/2022)
- Một số điểm mới của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kê khai tài sản của cán bộ, công chức (28/03/2022)
- Một số điểm mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (28/03/2022)